Thứ Tư, 12 tháng 11, 2008

Vỉa hè (tiếp theo và hết)

Năm đó cơ quan mình làm ăn được, xếp cho đi Nha Trang, Đà Lạt, Sài Gòn ăn chơi nhảy múa gần ba tuần mới về. Mình tới quán tiết canh lòng lợn thì ông đồ bộ ca rô đã chùi mép xong, đứng dậy ra về. Mình đá đá chân người ngồi cạnh, hất hàm về phía ông đồ bộ ca rô, nói tình hình sao rồi, anh cười khì khì, nói ôi chà hay lắm hay lắm.

Vừa lúc ông sáo mũi đi tới, rê cái sáo ngoáy hai vòng trước mặt mình, mình đưa hai nghìn, ông không cảm ơn như mọi khi, bỗng rút cái sáo vung lên, nhảy nhảy, nói Tiền tài như phấn thổ, nghĩa trọng tợ thiên kim, con le le mấy thuở chết chìm, người bạc tình bạc nghĩa kiếm tìm làm chi... rồi chìa tay khua khua, nói hai nghìn hai nghìn... Mình trố mắt ngạc nhiên, người ngồi cạnh cười khì khì, nói ôi chà hay lắm hay lắm.

Ông biết rồi chống gậy loạng quạng đi ra, vung cái gậy, hét to đồng bào chú ý đồng bào chú ý... máy bay địch cách thành phố năm mươi ki lô mếch... rồi chìa tay khua khua, nói hai nghìn hai nghìn...

Mình đập đập tay người ngồi cạnh, nói điên à, anh cười khì khì, nói ừ điên điên, mình nói điên cả hai à, anh lại cười khì khì, nói ừ điên cả hai, thế mới tài. Mình nói sao lại điên được, anh nói con điếm nó nhè đầu phang cho suốt ngày, không vỡ sọ là may...

Chị tiết canh lòng lợn chạy đến dúi cho hai ông mù mỗi ông mấy nghìn, nói thôi thôi các anh lên gác cho em nhờ, cứ văn nghệ văn gừng thế này chẳng ai dám vào hàng em.

Ông sáo mũi nhăn răng cười, nhảy nhảy, vung cái sáo, hát Anh tỉ phận anh/ thà ở lều tranh như thầy Tăng, thầy Lộ/ chớ không ham mộ của Vương Khải, Thạch Sùng/ đạo người anh giữ vẹn, bần cùng sá bao..

Ông biết rồi chĩa cái gậy lên trời bắn tằng tằng tằng, nói đền nợ nước, trả thù nhà, các đồng chí nhằm thẳng quân thù mà bắn... tằng tằng tằng.

Cô điếm già vội vã chạy xuống, kéo tay hai ông mù, nói về mau về mau. Ông sáo mũi hôn cô điếm già cái chụt, hát Ước gì bướm được gần hoa, ông biết rồi hôn cô điếm già cái chụt, hát Ước gì mình sánh với ta hỡi mình. Rồi họ múa may, vờn quanh cô điếm già. Ông sáo mũi nhún nhún, hát Ước gì tính sánh với tình, ông biết rồi nhảy nhảy hát Ước gì nhánh bích cành quỳnh thành đôi...

Mình rỉ tai người ngồi cạnh, nói họ hết đánh nhau rồi à, sao đoàn kết thế? anh cười khì khì, nói ừ, tỉnh táo thì đánh nhau như chó mèo, chờ đến nổi điên mới đoàn kết thương yêu nhau, hay thế!

Ông sáo mũi lại hôn cô điếm già cái chụt, hát Ước gì lan huệ đâm chồi, ông biết rồi hôn cô điếm già cái chụt, hat Ước gì quân tử sánh người thuyền quyên. Chị tiết canh lòng lợn chạy tới chắp tay vái hai ông mù, nói em lạy hai bác, dẹp văn nghệ văn gừng đi, thối hết lòng lợn của em rồi.

Ông đồ bộ ca rô thủng thẳng đi tới, đứng trước hai ông mù, bóp miệng huýt còi, nói các thủ trưởng, hai ông mù lập tức rập chân ưỡn ngực, nói có. Ông đồ bộ ca rô nói theo tôi về sở chỉ huy, hai ông mù nói rõ. Hai ông mù vịn vai cô điếm già và ông đồ bộ ca rô rập chân đi đều, vửa đi vừa hát Vừng đông đã hừng sáng, núi non xanh ngàn trùng xa...

Mọi người cười ha ha, nói hay hay, ông đồ bộ ca rô thế mà hay, văn nghệ văn gừng cứ xón cho chút hư danh là sướng liền, chấp hành liền. Một người nói hay gì, thằng đểu lắm đấy. Mình hỏi sao, người này cười nhạt nói đợi đó mà xem.

Mình hỏi cuối cùng ông đồ bộ ca rô lẻn vào nhà đó làm tổ trưởng à, người này nói nó làm mưu sĩ thôi, hư danh cho ba ông đầu rau hưởng. Mọi người ồ lên, nói phải phải, xui nguyên dục bị bao giờ cũng đắc lợi.

Mình hỏi thế sao cả hai ông mù bị điên một lúc, người này nói thì đánh nhau sứt đầu mẻ trán, nằm bẹp, nó tiêm cho một ông một phát là xong thôi.

Mọi người ồ lên, nói phải phải, thằng bộ đồ ca rô giỏi giỏi, phen này thế nào nó cũng đưa hai ông mù đi Trâu Quì, cái nhà nó được hưởng, hưởng luôn cái mỏ dầu, nó khoan đã đời nhé...

Mọi người cười ha ha ha, nói cả Mỹ cả I Răc đều thua đồng chí đồ bộ ca rô nhé. Chị tiết canh lòng lợn ngước lên nguýt cái, xì cái.

Mọi người không để ý, cứ cười cười nói nói. Người cười hi hi, nói hay hay, mẹo hay. Người cười he he he, nói giỏi giỏi, thằng giỏi. Chị tiết canh lòng lợn ngước lên nguýt cái, xì cái, nói các bác ơi, các bác ăn mau cho em lấy chỗ đón khách...

Mọi người rụt cổ thầm thầm thì thì. Người nói cẩn thận đấy, khéo không bà này người nhà của ông đồ bộ ca rô. Người nói phải phải, có khi nó dắt mối cho thằng đó. Người nói đúng đúng, chúng nó cùng hội cùng thuyền cả đấy.

Hoá ra không phải, trật lấc hết.

Tuần sau ông đồ bộ ca rô và cô điếm già đưa hai ông mù nhập trại Trâu Quì, xong, ông đồ bộ ca rô nói với cô điếm già cô đi đâu thì đi, để tôi khoá cửa giữ nhà cho người ta. Cô điếm già trợn mắt há mồm, nói nhà tôi đây còn đi đâu, ông đồ bộ ca rô nói nhà này là của hai ông mù, cô điếm già nói tôi là vợ của họ, ông đồ bộ ca rô nói cô đừng có nhận xằng, cả phố này ai không biết cô là điếm đứng đường.

Cô điếm già tức, nhảy chồm chồm, nói ối bà con ơi, thằng lày ló lừa tôi, ló xui tôi làm nhà lày tan lát để ló lấy không cái nhà. Ông bộ đồ ca rô tát cô điếm già một tát, nói con điếm già mồm, cút ngay.

Cô điếm già nhảy chồm, nói cha tiên nhân mày nhứ, mày xui tao sao mày xui tao sao, cha tiên nhân mày nhứ.

Ông đồ bộ ca rô cho thêm một tát, nói cô nói thêm câu nữa tôi báo người ta bắt liền, tội cô làm hai ông mù hoá điên tôi còn chưa tính. Cô điếm già khóc lóc, nói ôi giời ơi l. mình còn chưa tởm bằng mồm thằng lày. Nói xong thì bỏ đi.

Ông đồ bộ ca rô bước ra phố, chị tiết canh lòng lợn gọi lại, nói này anh kia, đưa chìa khoá nhà hai ông mù đây. Ông đồ bộ ca rô nói tôi có trách nhiệm giữ nhà cho người ta. Chị tiết canh lòng lợn nói này, tôi lạ đéo gì mấy ông, thấy chỗ nào ăn cướp được thì ôm trách nhiệm vào mau lắm, đưa chìa khoá đây mau lên.

Ông đồ bộ ca rô cười nhạt, nói thế bà là ai mà dám đòi chìa khoá, đừng có nhận xằng. Chị tiết canh lòng lợn nói xằng là xằng thế nào, nhà tôi ở đây, hàng họ tôi đây cả phố ai không biết, tôi không giữ nhà cho hàng xóm của tôi thì ai giữ.

Ông đồ bộ ca rô nói bà đừng có lắm mồm, luớ quớ tôi gọi người ta bắt liền, tội bà bán tiết canh lòng lợn gây ô nhiễm môi trường, lấn chiếm vỉa hè tôi còn chưa tính. Chị tiết canh lòng lợn nói này, thằng lưu manh, mày doạ được con điếm già chứ không doạ được tao đâu.

Nói rồi chị xông đến bóp vày vò hạ bộ ông đồ bộ ca rô, nói mày có đem chìa khoá không, tao bóp phát nát bét hai hòn cho ra thằng thái giám thật luôn, khỏi phải giả danh.

Cả khu phố ùa đến, người nói thằng lừa đảo đưa mau đưa mau, người nói thằng lưu manh đưa mau đưa mau. Ông đồ bộ ca rô rút chìa khoá ra đưa cho chị tiết canh lòng lợn, cười cười, nói gì mà ầm lên thế, tôi thử tinh thần cảnh giác bà con chút thôi mà... công nhận tinh thần cảnh giác của bà con khu phố mình rất cao.

Chị tiết canh lòng lợn bê rổ lòng tới, nói ông khen bà con khu phố à, vậy thì bà con khu phố khen tặng ông một rổ lòng, rồi úp cả rổ lòng lên đầu ông đồ bộ ca rô.

Đám thực khách khen chị tiết canh lòng lợn giỏi giỏi. Người nói đáng lẽ chị phải tương lên đầu nó rổ lòng thối, mọi người cười ha ha, nói phải phải.

Người nói đáng lẽ chị phải kẹp cái mặt nó vào háng cho chết mẹ nó đi, mọi người cười ha ha ha, nói đúng đúng.

Người nói đáng lẽ chị chà bướm vào mặt nó, mọi người cười ha ha ha, nói hay hay.

Chị tiết canh lòng lợn ngước lên nguýt cái, xì cái, nói thôi, em xin các bác, các bác chỉ chua cáy chua con là giỏi, xếch mé người ta là tài, làm được cái đéo gì đâu.

Mọi người ngồi im, mặt đực như ngỗng ỉa. Mình cũng mặt đực như ngỗng ỉa.

The end he he.

Thứ Ba, 11 tháng 11, 2008

1111, nhảm đàm

Vâng, 4 con số 1, xin cảm ơn (theo cách nói của bác Lại Văn Sâm trên VTV cho nó hào sảng vui vui tí).

Mỗi con số 1 đại diện cho một thành viên trong gia đình tui: 1 ba, 1 mẹ, 1 tui, 1 em.

1 - con số duy nhất tính tới giờ phút này tui viết được bằng viết chì.

Theo hệ nhị phân (binary) , đèn sáng là số 1, đèn tắt là số 0. Vậy 1111 tương ứng với bốn bóng đèn đang sáng. Sáng cả nhà, khà khà khà...

1111, theo hệ thập lục phân (hexadecimal) là số F (diễn dịch theo ba tui: F là viết tắt của Family - gia đình. He..he.., nói cho vuông vào cái gia đình tui ấy mà!).

**

Dãy số 1111, nếu cho dấu chấm ở giữa là 11.11.

11.11 có thể đọc là ngày mười một tháng mười một.

Mà ngày 11.11 là ngày gì?

Quan trọng, quan trọng, rất rất quan trọng!

Tui xin trân trọng thông báo:

"Ngày 11.11 là ... ngày hôm nay đấy đồng bào ơi...".

----------------------------------------------

Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2008

Vỉa hè (tiếp theo)

Quán tiết canh lòng lợn hôm đó bỗng vắng cả ông sáo mũi lẫn ông biết rồi. Mình vỗ nhẹ vai ông ngồi cạnh, nói này, hai ông mù đâu không thấy, ông này nói biết được, có khi tranh nhau make love suốt đêm, giờ chưa dậy.

Anh thanh niên bàn bên nói đâu có, họ phân công lao động rất rành mạch, không có chuyện tranh gianh nhau đâu. Mình hỏi phân công sao, anh thanh niên nói vợ ngày là của ông biết rồi, vợ đêm là của ông sáo mũi. Thế là cả hội khách tiết canh lòng lợn bỗng tranh nhau nói, bàn tán râm ran.

Người nói make love mà lao động à, người nói chứ sao, bằng bố lao động ấy chứ, mọi người cười ha ha ha, nói chưa có lao động nào lại tranh nhau quyền được lao động như Make love.

Người nói ông sáo mũi ban ngày lo đi làm, đêm được hưởng phúc, phân công lao động thế là hợp lý quá. Người nói ngộ nhỡ ông sáo mũi nhảy về nhà làm phát thì sao nhỉ, người nói ừ nhẩy, lỡ ông biết rồi nửa đêm mò sang làm choác thì sao nhẩy.

Mọi người cười ha ha ha, nói đúng rồi đúng rồi, cha chung thì không ai khóc chứ vợ chung thì như Mỹ với I Răc tranh nhau cái mỏ dầu.

Mọi người cười ha ha ha, nói đúng rồi đúng rồi, cái mỏ dầu ấy ghê nhẩy, khoan mãi không hết dầu.

Mọi người cười ha ha ha, nói đếch phải đếch phải, có khi khô mẹ nó dầu rồi, chúng nó mù không biết cứ tranh nhau khoan.

Mọi người cười ha ha ha, nói đúng rồi đúng rồi, đàn bà mà khô dầu mỡ coi như vứt vào thùng rác lịch sử, chỉ có bọn đui mù mới đủ can đảm moi ra xào lại thôi.

Một người nói xào khô à. Mọi người cười ha ha ha, nói xào khô xào khô, mốt bây giờ là xào khô.

Một ông mặc đồ bộ kẻ ca rô trông béo tốt, cái kính trắng đeo trễ trông trí thức, dây chuyên vàng đeo cổ có một hạt ngọc trông giàu có, từ đầu chí cuối cắm cúi ăn, bây giờ mới thông thả ngẩng lên lấy giẩy ăn chùi một vòng quanh mép, lại thong thả lấy giấy ăn khác chùi một vòng nữa quanh mép, hắng giọng cái, nói mấy ông hết chuyện rồi sao, đang ăn uống cứ phun hết tục tĩu. Nói xong thì chống gối đứng dậy, phủi đít quần mấy phủi, thong thả bỏ đi.

Một người định cãi lại. Một người ngăn lại, nói mấy đứa nói đúng nên tránh xa, cãi nhau với chúng nó mình thua.

Một người nói mẹ, đến cơ quan toàn nghe nói đúng, về nhà vợ còn không tha, nói đúng suốt buổi, đi ăn sáng lại gặp thằng nói đúng, điên thế.

Một người nói thằng cha nào mà oách thế. Một người nói thằng này ở phố Hàm Long, nghe nói làm giám đốc giám đeo gì a, một người nói đâu có, giáo sư đấy. Một người nói không phải, chuyên viên trên bộ đó.

Một người nói không có đâu, thằng đó buôn heo thôi, mấy năm nay bỏ nghề, suốt ngày đánh cờ tướng bên phố Bà Triệu. Một người nói buôn heo đâu mà buôn heo, nó làm đầu nậu sách, nợ đầm đìa, bỏ Hải Phòng lên đây trốn nợ. Một người nói a nhớ rồi, thằng này nhà phê bình.

Bỗng trên gác có tiếng hét cô điếm già, rồi soong nồi bát đĩa văng ra từ cửa sổ. Ông biết rồi hét, đ, mẹ mày. Ông sáo mũi hét mẹ tôi cũng là mẹ anh. Cô điếm già hét ôi giời ơi, các anh phải đoàn kết thương yêu nhau chứ.

Ông sáo mũi hét mẹ, anh chủ trương như cứt. Ông biết rồi hét sư bố mày thực hiện như đom. Cô điếm già hét không đánh nhau, không đánh nhau.

Mọi ngườì lại bàn tán tán râm ran, nói rồi rồi Mỹ choảng IRăc rồi.

Một người nói biết ngay mà, ông sáo mũi mò về làm phát bị ông biết rồi bắt được. Một người nói đếch phải, đêm qua ông biết rồi lấn sân bị ông sáo mũi bắt được.

Mọi người ha ha ha, nói ôi giời mỗi mỏ dầu thối mà anh em choảng nhau, huynh đệ tương tàn.

Dần dần mới biết trăm sự tại cái mỏ dầu thối ấy thật.

Ngày. Ông biết rồi ôm cô điếm già, nói anh được không, cô điếm già hôn ông biết rồi cái chụt, nói trên cả tuyệt vời. Ông biết rồi cười khé khe khe, nói anh có hơn em không. Cô điếm già vuốt vuốt ông biết rồi, nói ôi giời, ông em của anh thì lói làm gì, chỉ tổ mất công tụt quần. Ông biết rồi cười khé khe khe...Cô điếm già rỉ tai ông biết rồi nói như vầy như vầy, ông biết rồi nói thế à thế à... mẹ, thẳng đểu.

Đêm. Ông sáo mũi ôm cô điếm già, nói anh được không, cô điếm già hôn ông sáo mũi đánh chụt, nói trên cả tuyệt vời. Ông sáo mũi cười hé he he, nói ông anh của anh thế nào, cô điếm già vuốt vuốt ông sáo mũi, nói ông anh của anh thì lói làm gì, chỉ tổ mất công tụt quần.Ông sáo mũi cười hé he he...Cô điếm già rỉ tai ông sáo mũi nói như vầy như vầy, ông biết rồi nói thế à thế à...tiên sư thằng cha già ác thế.

Đang đêm ông sáo mũi tỉnh dậy, nghe bem bép, bèn mò cái ghế con giáng xuống đầu ông biết rồi, nói mẹ, anh đề ra chủ trương lại chơi lậu, ăn gian. Ông biết rồi ôm đầu máu, đạp phát trúng bụng ông sáo mũi, nói tại mày thực hiện như đom, tao phải đứng ra gánh vác.

Ông sáo mũi nói lậu lậu gian gian, anh ăn gian trắng trợn. Ông biết rồi nói thằng đểu, viện cớ đánh anh mày, tao giết. Họ xông vào nhau đấm đấm đá

Cô điếm già lấy cây gậy gõ phát lên đâù ông sáo mũi nói thôi, không đánh nhau, lại gõ phát lên đầu ông biết rồi nói ôi giời ơi, các anh phải đoàn kết thương yêu nhau chứ.

Ông biết rồi nói đ.mẹ mày, rồi đạp một phát vào ông sáo mũi, trượt, cô điếm già đạp bồi ngay vào bụng ông sáo mũi. Ông sáo mũi tức, vùng dậy nói mẹ tôi cũng là mẹ anh, rồi cầm ghế phang vào đầu ông biết rồi, trượt, cô điếm già phang bồi cái ghế vào đầu ông biết rồi.

Cô điếm già lấy gậy gõ phát lên đầu ông sáo mũi, nói em mà đánh anh ác thế, vỡ mẹ sọ chết thì sao, lại gõ phát lên đầu ông biết rồi, nói anh đi đạp đểu em thế, dập mẹ nó dái thì sao.

Ông sáo mũi và ông biết rồi lại xông vào đấm đá, cô điếm già hét vang ối giời ơi, anh em phải đoàn kết thương yêu nhau chứ...Điếc tai nhức óc cả khu phố.

Mấy hôm liền sáng nào quán tiết canh lòng lợn cũng chuyên bàn chuyện ba vợ chồng ông mù. Người nói con điếm đểu, nó làm hai anh em đánh nhau để mưu lấy cái nhà. Người nói con kia sao gan to thế được, phải có kẻ xui nó mới dám làm thế.

Ông mặc đồ bộ kẻ ca rô từ đầu chí cuối cắm cúi ăn, bây giờ mới thông thả ngẩng lên lấy giấy ăn chùi một vòng quanh mép, lại thong thả lấy giấy ăn khác chùi một vòng nữa quanh mép, hắng giọng cái, nói mấy ông hết chuyện rồi sao, chuyện nhà người ta cứ xía vào. Nói xong thì chống gối đứng dậy, phủi đít quần mấy phủi, thong thả bỏ đi.

Một người nói mẹ, bọn nói đúng nhiều như ruồi, giết mãi không hết. Một người nói nói đúng không chắc đã lưu manh, nhưng lưu manh thì cầm chắc suốt ngày nói đúng

Người nói tổ sư cái thằng buôn lậu nói năng như cha bố. Người nói buôn lậu cái gì, nó là giáo sư đấy, vừa mất dạy. Người nói giáo sư đếch đâu, nó là nhà nghiên cứu củ c. gì đó, ăn cắp cái laptop của viện trưởng, bị đuổi cổ ra khỏi viện rồi. Người nói các ông nghe đâu đấy, nó là thằng chuyên viên của bộ, bộ trưởng trúc nó cũng trúc theo. Người nói đếch phải đếch phải, nó chỉ là thằng đầu nậu sách thôi.

Bỗng trên gác có tiếng hét cô điếm già, rồi soong nồi bát đĩa văng ra từ cửa sổ. Ông biết rồi hét, đ. mẹ mày thực hiện như đom. Ông sáo mũi hét tiên sư anh chủ trương như cứt. Cô điếm già hét ôi giời ơi, các anh phải đoàn kết thương yêu nhau chứ.

Mọi người lại ồ lên, nói rồi rồi Mỹ lại choảng IRăc rồi...

( còn nữa he he)

Thứ Năm, 6 tháng 11, 2008

Vỉa hè (Ký sự Nguyễn Quang Lập)


Ký sự vỉa hè
Ngày trước còn đi làm mình rất thích ăn sáng tiết canh lòng lợn ở vỉa hè đầu phố gì quên mất tên, gần phố Nguyễn Du. Ăn lâu ngày quen, cứ thấy mình ra là bà chủ cắt hai miếng tiết to, một khúc dồi, một vốc lòng non, bữa nào cũng giống bữa nào.


Khách ăn sáng quanh đi quẩn lại cũng vài chục anh, tuyệt nhiên không có đàn bà, lâu ngày rồi cũng quen mặt cả. Chẳng biết tên nhau nhưng gặp nhau là gật đầu cái, cười cái, một anh một bàn nhỏ một cái đòn một bát tiết một đĩa lòng một cút nhỏ rượu, vừa ăn vừa nói chuyện râm ran, chuyện gì cũng dễ dàng nhất trí, chưa khi nào cãi nhau.


Ngườì này nói tiên sư thằng Liverpoll đá ngu thế. Lập tức ngườì kia hùa theo, nói đúng rồi, đá ngu như bò. Người nọ nói đúng đúng, cái thằng Owen đá như bòi, tôi mất năm xập vì cái thằng đó, tức thế....cứ thế là râm ran.


Người này nói tối qua xem ti vi, sư bố cái thằng thứ trưởng nó nói thối inh, ngu thế. Lập tức người kia lên tiếng ngay, tối qua tôi cũng xem, mẹ cái thằng nhà quê. Người nọ nói ôi giời tôi lạ gì thẳng đó, nó trước kia làm ở sở..cứ thế là ồn ào.


Toàn nhất trí không, hay cực.


Có hai ngươì đàn ông chưa bao giờ ăn sáng nhưng luôn có mặt, cả hai đều mù, chừng bốn năm mươi tuổi.


Ngườì thứ nhất gọi là ông sáo mũi, ông thổi sáo mũi ăn xin, chuyên ngồi gốc cây thổi hết bài này sang bài khác. Thoạt nhìn cứ tưởng ông ngồi thổi sáo vi vu chơi vui, không quan tâm đến ai, nhưng hễ có người vào quán là ông rời gốc cây đi đến, rê cái sáo ngoáy hai vòng trước mặt khách rất điệu, người cho một ngàn, kẻ cho hai ngàn, xong ông lại về ngồi gốc cây.


Không hiểu sao ông biết ngay người mới đến, đi tới đúng chỗ người đó không hề mò mẫm, cứ y như người sáng.

Đụng khi mọi người ồn ào, tranh nhau nhất trí thì ông nhảy ra, rê cái sáo ngoáy hai vòng trước mặt mỗi người. Đang phấn khích chẳng ai tiếc một hai nghìn. Tính ra mỗi buổi sáng ông thu được năm bảy chục nghìn chứ không ít.


Người thứ hai gọi là ông biết rồi. Khác với ông sáo mũi, ông này đi đứng loạng quạng, cái gậy cầm trong tay cứ chấm hai ba chấm bước một bước. Hễ ông bước lệch sang chỗ nào đó, có người nói đi lối này ông ơi, ông nói át đi: biết rồi, cầm gậy chấm một hai ba chấm bước một bước, lại đi lệch, người khác nhắc đi sang bên này ông ơi, ông lại nói át đi: biết rồi, giọng như tự ái.


Mình rỉ tai anh ngồi cạnh, nói hai ông này ở đâu mà sáng nào cũng ra đây, anh ngồi cạnh nói trên gác, họ là anh em. Ngó lại thì thấy họ giống nhau như lột. Mình gật gù, nói hay hay, cũng là mù, người này không thấy gì, người kia như sáng. Anh ngồi cạnh cười sật sật, nói ông sáo mũi là ông mù, ông biết rồi là ông đui. Ông đui là anh, ông mù là em. Mình chả hiểu sao, chỉ nhăn răng cười.


Ông biết rồi không ăn gì, chỉ đứng hóng chuyện. Hễ ai nói, ông liền nghếch tai về người đó. Bất kì chuyện gì, người ta chưa dứt lời ông đã khua cái gậy cái, nói đúng rồi, tôi đã bảo rồi chứ.


Một người nói mẹ, thằng trọng tài ngu, việt vị đâu mà việt vị. Ông khua cái gậy, nói ừ đúng rồi, tôi đã bảo rồi chứ. Người này nói tôi thấy rõ ràng không việt vị, ông khua cái gậy, nói ừ đúng rồi, rõ ràng.... tôi đã bảo rồi chứ.


Một người nói cái thằng thứ trưởng, nó nói lấy dân làm gốc cứ leo lẻo, bố mẹ thì đối xử không ra cái gì, tôi ở gần nhà nó tôi biết. Ông biết rồi khua cái gậy, nói đúng rồi, tôi đã bảo rồi chứ, có ra cái gì đâu. Người này nói mẹ, tôi thấy rõ ràng nó vừa đứng đái vừa mắng bố nó, ông biết rồi lại khua cái gậy , nói ừ đúng rồi, rõ ràng... tôi đã bảo rồi chứ.


Mình rỉ tai anh ngồi cạnh, nói ông em thì đi kiếm tiền còn ông anh suốt ngày đứng hóng chuyện, anh ngồi cạnh cười sật sật, nói thì thằng đui chỉ đạo thằng mù chứ sao. Mình cười khịt khịt. Anh ngồi cạnh rỉ tai mình, nói họ có vợ chung đấy. Mình ngạc nhiên vô cùng.


Dần dà mới biết họ bị mù bẩm sinh, bố mẹ nuôi họ đến tuổi trưởng thành thì chết, hai anh em sống với nhau. Ông biết rồi đi đứng loạng quạng, tính lại lười, vỗ vai ông sáo mũi, nói tao trông nhà quét nhà dọn nhà chùi nhà bảo vệ nhà cửa, mày chỉ mỗi việc thổi sáo kiếm tiền thôi, quán triệt chưa. Ông sáo mũi gật gật, nói quán triệt.


Từ đó ông sáo mũi đi thổi sáo ăn xin, cũng chẳng đi đâu xa, chỉ quanh quẩn cái vỉa hè này thôi, thế mà cũng kiếm đủ ăn, còn mua được cái đài nghe tường thuật bóng đá.


Hễ có trận bóng đá là hai anh em hò hét như vỡ chợ. Ông sáo mũi nói rồi lên rồi, ông biết rồi nói ai lên ai lên, ông sáo mũi nói Hồng Sơn lên rồi, Hồng Sơn chuyền cho Đặng phương Nam, ông biết rồi hét Sơn ơi Sơn, đừng chuyền cho Đặng Phương Nam em ơi, nó đá ra ngoài đấy.


Ông sáo mũi nói bỏ mẹ, mất bóng rồi, thằng Kiatisac có bóng rồi, bỏ mẹ rồi, ông biết rồi hét vang Đức Thắng đâu, Đức Thắng đâu, chặn nó lại em ơi, đạp phát dập mẹ xương bánh chè nó đi cho anh, ông sáo mũi cũng gào lên, búng phát văng dái thằng Kiatisac cho anh, Đức Thắng ơi!


Tóm lại Thái Lan vẫn thắng. Ông biết rồi cầm gậy đập phát vỡ tan cái ấm, nói mẹ, lại thua bố nó rồi, ông sáo mũi đá vèo cái ghế, nói sư bố nó chứ, toàn thua thôi, đá gì mà ngu thế. Ông biết rồi lại cầm cái gậy đập phát móp luôn cái soong, nói đuổi mẹ thằng Riedl cho tao, ông sáo mũi lại đá vèo cái ghế, hét đuổi bố thằng Riedl đi.


Nhiều khi người qua đường cứ tưởng hai anh em đang đánh nhau, không, họ chẳng bao giờ đánh nhau, cãi nhau, cho tới một hôm...


Một đêm mất điện, trời nóng quá, ông biết rồi lò dò xuống vỉa hè, đứng tựa gốc cây hóng gió. Bỗng có tiếng đàn bà, nói anh ơi lại đây, ông nói biết rồi, cầm cái gậy khua khua dò xem người đàn bà đứng ở đâu.


Người đàn bà là cô điếm già, cầm cái gậy kéo ông lại, nói em đây lày anh, ông nói biết rồi, luờ quờ mò tới. Cô điếm già cầm tay ông đặt lên ngực, nói em có cái lày, ông nói biết rồi, bóp xoa bóp xoa, cười hi hí, nói hay nhể hay nhể. Cô điếm già cầm tay ông đặt vào háng, nói em có cái lày lữa, ông nói biết rồi, bóp xoa bóp xoa, cười hi hí, nói hay nhể hay nhể.


Ông biết rồi ôm chặt cứng cô điếm già, nói anh làm phát được không, cô điếm già đẩy ông ra, nói tiền đâu, ông nói biết rồi, đéo có, rồi bỏ đi. Cô điếm già nói một hai chục ngàn cũng không có à, ông biết rồi nói đéo có, cầm gậy cứ chấm một hai chấm bước một bước, túc tắc về nhà.


Cô điếm già chạy theo kéo áo ông biết rồi, nói nếu anh nuôi được em thì em về ở với anh, ông nói biết rồi, cô muốn làm vợ tôi à, cô điếm già nói vâng, ông biết rồi cười cái hậc, nói o ke... vợ thì vợ.


Ông biết rồi dắt cô điếm già về nhà, vừa lúc có điện, cô điếm già nói bật đèn lên, ông biết rồi nói đèn để làm gì, rồi ẩn cô điếm già xuống sàn, nói làm phát mau, không mất điện nóng chết.


Ông sáo mũi tỉnh giấc, vùng dậy hỏi ai đấy, ông biết rồi nói vợ tao. Ông sáo mũi ngơ ngác, nói vợ là sao? Ông biết rồi cười cái hậc, nói đ. mẹ thằng này hỏi khó thế.

Ông biết rồi kẹp cô điếm già suốt đêm, ông sáo mũi không ngủ được, đi vô đi ra, ngồi ban công thổi sáo hết chục bài, lại ra vỉa hè thổi thêm chục bài nữa trời vẫn chưa sáng, bực mình đá cái ghế, hét to anh tôi theo bướm bỏ em rồi. Ông biết rồi nhả vú hất mặt lên, nói cả thiên hạ ai không theo bướm, mày nói tao nghe.

Ông sáo mũi đứng giữa nhà khóc, khóc chán đứng thổi sáo, thổi sáo chán thì đá cái ghế cái, lại hét to anh tôi theo bướm bỏ em rồi. Ông biết rồi nhả bướm nhổm đít lên, nói thằng ngu, gì mà hét lên thế, vua còn đem đất đổi bướm, mình tao à.

Cô điếm già cười rích rích, bóp ông biết rồi cái, nói nhà mình không ngăn vách, cứ thông thống. Ông biết rồi vỗ cô điếm già cái bép, cười khé khe khe, nói nhà này toàn đui mù ngăn vách làm gì.

Cô điếm già lại cười rích rích, bóp ông biết rồi cái, nói dưng mà ló cứ đi qua đi lại, xí hổ chết. Ông biết rồi vỗ cô điếm già cái bép, cười khé khe khe, nó sư bố cái này mà biết xấu hổ, bọn đui mù sáng mắt hết rồi.

Cô điếm già cười rích rích, nói mau ôi mau, ông biết rồi cười khé khe khe, nói hay nhể hay nhể, cô điếm già cười rích, nói mau mau ôi mau mau, ông biết rồi cười khé khe khe, nói hay nhể hay nhể. Ông sáo mũi đứng ban công thổi đau cả mũi trong nhà vẫn chưa xong, ông rút sáo thở hồng hộc, nói nhà này loạn rồi.

Ông biết rồi đi ra ban công, nói mày không ngủ, còn đứng đó nói năng bậy bạ. Ông sáo mũi nói anh chị cứ bem bép thế bố ai mà ngủ được. Ông biết rồi nói biết rồi, ngày xưa bố mẹ bem bép mày không thắc mắc, tao mới bem bép chút xíu mày đã thắc mắc là sao.

Cô điếm già kéo ông biết rồi vào, nói quần chúng chuyên đề thắc mắc, anh quan tâm làm gì. Ông biết rồi cười khé khe khe, nói phải phải, nhà này anh tổ trưởng, em tổ phó, nó quần chúng. Cô điếm già túm tóc ông biết rối dúi mặt ông vài háng, cười rích rích, nói cái lày tổ trưởng chứ, ông biết rồi cười khé khe, nói biết rồi, phải phải.

Cô điếm già cười rích rích, nói mau ôi mau, ông biết rồi cười khé khe khe, nói hay nhể hay nhể, cô điếm già cười rích rích, nói mau mau ôi mau mau, ông biết rồi cười khé khe khe, nói hay nhể hay nhể. Ông sáo mũi đá cái ghế, nói tôi ỉa vào ở nhà này nữa, tôi đi đây, rồi bỏ ra khỏi nhà.

Ông biết rồi nhả vú, hất mặt lên, nói mày đi đâu. Cô điếm già vít cổ ông biết rồi xuống, nói để chú ấy đi, chú ấy có tự do thì tụi mình mới tự do bem bép chứ, ông biết rồi cười khé khe khe, nói biết rồi, phải phải.

Cô điếm già cười rích rích, hất lên, nói tự do lày, từ do lày, ối mau mau. Ông biết rồi cười khé khe khe, nói biết rồi biết rồi, tự do tự do, hay nhể hay nhể.

Được ba ngày tiền hết, gạo hết. Ông biết rồi vuốt vuốt cô điếm già, nói anh trông nhà quét nhà dọn nhà chùi nhà bảo vệ nhà cửa, em chỉ mỗi việc ra phố kiếm tiền thôi, quán triệt chưa. Cô điếm già nói lày, đừng có phát ngôn sai quan điểm, ông biết rồi nói biết rồi, nhưng sao, cô điếm già nói đó là việc đàn bà, ai lại để đàn ông gánh vác.

Ông biết rồi nói biết rồi, nhưng ai đi kiếm tiền đây, cô điếm già nói đàn ông không kiếm được tiền, ai kiếm. Ông biết rồi nói biết rồi, nhưng anh quen chỉ đạo chú em kiếm tiền thôi, cô điếm già nói thế thì phải đi tìm chú ấy về.

Ông biết rồi vỗ cô điếm già cái bép, cười khé khe khe, nói biết rồi, em kiến nghị cực hay, em ra ngay phố kiếm chú ấy về. Cô điếm già nói phố lào, cả trăm ngàn phố, em biết phố lào ra phố lào. Ông biết rồi nói biết rồi, anh chỉ đề ra phương hướng thế thôi, phố nào thì em phải linh động sáng tạo chứ.

Cô điếm già tức, kéo tai ông biết rồi, nói tôi có hai mồm, mồm lào cũng thông suốt cả mà lói không lổi ông, đi, cùng nhau ra phố. Họ đi ra phố, tìm một ngày ròng rã không thấy, đói, không tiền, họ đóng vai con gái dắt bố mù đi ăn xin.

Ông biết rồi vịn vai cô điếm già, hát những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim, tím chiều hoang biền biệt... mấy ngàn rồi. Cô điếm già hát một chiều hành quân được tin em gái mất, chiếc thuyền như vỡ đôi...hai ngàn. Ông biết rồi hát phút cuối không được nghe nhau nói... mẹ, kiếm tiền mà khó nhỉ. Cô điếm già hát không nhìn được một lần, dù một lần đơn sơ... lói ngu, tiền kiếm dễ tôi lấy ông à...

Họ tính choảng nhau, nhưng đói quá không choảng nhau được, ngồi tựa lưng nhau thở vào thở ra. Ông biết rồi nói may, nhờ đói kém mà vợ chồng mình đoàn kết, rồi ôm mặt khóc hu hu, nói phen này anh phải hy sinh nửa cái bướm cho chú em rồi. Vừa lúc họ nghe tiếng sáo ông sáo mũi, lập tức họ mò đến liền.

Cô điếm già dập đầu, nói chú về với chúng tôi, từ nay chúng tôi chủ trương miếng ngon chia đôi, sách hay chung đọc. Ông biết rồi dập đầu, nói em về với anh, từ nay anh chị chủ trương không bem bép. Ông sáo mũi nói có chắc không bem bép nữa không, cả hai dập đầu nói không không, kiên quyết không bem bép.

Họ làm cuộc rượu đoàn viên. Ông biết rồi tu cạn cốc, vỗ vai ông sáo mũi, nói từ nay anh hy sinh chân tổ trưởng cho chú mày, ông sáo mũi nói thèm vào. Cô điếm già nói để tôi nhường chân tổ phó cho chú, ông sáo mũi nói thèm vào. Cô điếm già cầm tay ông biết rồi vỗ háng cái bép, nói cái này tổ trưởng, quán triệt không. Ông biết rồi nói biết rồi, đành quán triệt chứ sao. Cô điếm già cầm tay ông sáo mũi vỗ háng cái bép, nói cái này tổ trưởng, quán triệt không.Ông sáo mũi nói thế có loạn luân không. Ông biết rồi nói biết rồi, loạn nước còn chả lo, loạn luân là cái đinh. Ông sáo mũi gật đầu lia lịa, nói thế thì o ke o ke, quán triệt quán triệt.

( còn nữa he he)

Đứa con (tiếp theo)

PHẦN 3

-Mẹ con em xin nương tựa anh một thời gian... Nhưng làm chi để sống?

Đêm. Ngọn đèn dầu leo lét cháy. Quầng sáng của ngọn đèn không đủ soi rõ mặt chị và người đàn ông hủi. Trên chiếc võng được khâu bằng cái bao tải rách, đứa bé đang ngủ. Chị buông ra một câu hỏi mà không biết ai sẽ trả lời.

-Lâu nay anh làm chi để sống?

Người đàn ông dùng hai ngón tay còn lành lặn, vấn thuốc hút. Bóng người đàn ông hắt lên vách bất động. Chị chợt thấy gai gai ở xương sống. Đêm thì dài, người đàn ông lại rất khỏe. Nhỡ ra thì...

-Anh nói đi chứ. Vô duyên mẹ con em được anh đưa về đây, nếu không biết làm chi để sống thì ngày mai mẹ con em đi... Giữa cát, nếu không có việc chi, chết đói thôi anh ạ. Em lại còn con nhỏ...

Người đàn ông vẫn im lặng thả từng đụn khói thuốc, không mảy may động cựa, cũng không phản ứng gì trước những câu hỏi của chị.

-Nhưng mà anh vẫn chưa nói cho em biết, tên anh là chi?

Người đàn ông nhìn chị, cái nhìn dò xét, khó chịu hơn là sự thông cảm.

-Tên anh là chi?

Người đàn ông vò chặt điếu thuốc lá đang cháy trong bàn tay hộ pháp và tật nguyền của mình, buông thỏng:

-Không có tên. Từ hồi sinh ra đến giờ không có tên. Ai cần gọi thì người ta gọi là thẳng hủi. Nhưng mà có ai gọi. Chỉ có chị là gọi tôi bằng anh.


Chị nhướn người tới:

-Làm chi có chuyện đó. Vô lí. Thì anh cũng phải đặt cho mình một cái tên chứ.

-Không.Tôi có gọi tôi bao giờ mà cần tên.

-Nhưng mẹ con em cần gọi anh, hàng ngày...

-Thì cứ gọi là Đất.

-Đất à?

-Đất. Thời tôi sinh ra đến giờ, sống lăn lộn như đất, bị chà đạp như đất... Đất. Cũng được. Gọi thế cho tiện.

-Vâng... Anh Đất này. Anh nghe em hỏi đấy chứ, lâu nay anh làm chi để sống?

Người đàn ông hủi im lặng, né tránh cái nhìn xoi mói của chị.

Chị nhận ra sự lúng túng của anh, hỏi riết:

-Anh nói đi chứ. Từ hôm nay đâu phải một mình anh, trong nhà đã có ba miệng ăn...

-Thôi đi. Chị không cần phải hỏi đến chuyện đó. Khi nào hết cái ăn, nhất định tôi sẽ tống cổ chị ra khỏi nhà. Được chưa? Chị tưởng ở một mình giữa những đồi cát hoang này là không có việc chi làm à? Khối việc ra đấy. Sợ làm không xuể thôi. Mặc tôi lo, đừng hỏi. Tôi chưa nghe ai căn vặn tôi nhiều như vậy. Việc của chị là nuôi con. Việc của tôi là kiếm cái ăn. Đàn ông kiếm ăn. Đàn bà lo nuôi con. Những chuyện đó xứ nào không biết mà chị còn hỏi. Được chưa?

Biết là người đàn ông bực mình nhưng chị vẫn không kìm nén một câu hỏi:

-Anh đừng giận. Là vì... Em cũng không thể biết làm chi để sống giữa những đồi cát trắng thế này, quanh mình không có ai...Không có ai... Không việc làm...

Người đàn ông sừng sộ:

-Sao lại không có ai. Nhiều người lắm.

-Ai mà nhiều?

-Người chết. Ngày nào chả có người chết của các làng mang lên chôn trên cát. Quanh đây bao nhiêu là người. Họ chết nhưng họ cũng là người chứ... Chị không nhìn thấy à...Ngày nào cũng có người các làng chết mang ra chôn trên cát... Đông lắm...

Chị rùng mình.

Chị buộc phải tò mò, buộc phải để ý trước việc đi vắng vào những khoảng thời gian đáng ngờ của người đàn ông hủi. Ban ngày ông ngủ, ngủ li bì. Ngủ đến độ đứa con của chị có lần đái võng ra mặt, ông ấy cũng không biết. Đôi lúc chị nghe ông ấy nói mớ. Những tiếng ú ới, kêu khóc, thét gọi rùng rợn, tựa như bị ma ám, bị ai đó đang bóp chẹt lấy cuống họng. Ngày hai bữa cơm, ông ấy bị chị lôi dậy ăn. Hai người rất ít nói chuyện với nhau. Chị cũng không buồn nói. Luẩn quẩn cả ngày trong túp lều rách nát, chị nhức nhói bởi một câu hỏi, làm sao có thể ổn định được cuộc sống. Tối, thường khoảng mười giờ đêm là ông ấy ra khỏi nhà. Ông đi lặng lẽ, không chào chị lấy một câu. Rồi tầm sáu giờ sáng thì về, mệt mỏi, vứt cho chị mấy lon gạo, ít cá mắm, đôi khi còn có cả miếng thịt, sau đó là lăn ra ngủ. Lạ hơn, hễ ngày nào quanh các làng có đám tang, thể nào tối đó ông cũng ra khỏi nhà. Nếu không có tang ai thì cả đêm ông ấy ngủ đến sáng. Chị đã có lúc ngỡ ông đi ăn cắp. Nhưng một người như ông, chị tin là không ăn cắp của ai bao giờ. Vì đã ăn cắp, thì cũng mang cái gì đó về nhà, đằng này...

(PHẦN 4)

Hai ngày liền, các làng quanh đấy không có đám. Nhà đã cạn gạo. Ông bồn chồn lo lắng. Chị đành nấu cháo loãng cho hai người húp cầm hơi. Ông vẫn nằm bất động như ngủ, thỉnh thoảng lại hỏi:

-Còn mấy bữa?

Chị xộc tay vào cái chum nhỏ, nắm gạo ước lượng:

-Ăn cơm thì được hai bữa, ăn cháo được ba.

Ông im lặng.

Chị men lại bên ông:

-Anh này... Anh không nói đêm đêm anh đi đâu, làm gì, em lo lo... Hay là...

-Tưởng người ta đi ăn cắp à? Ông hỏi và cười, tiếng cười lục khục trong cuống họng.

Chị nhẹ nhàng phân bua:

-Không phải... Ai lại nghĩ xấu về anh như thế... Chỉ có điều, đêm tối, anh đi làm chi...

-Kệ người ta, việc đàn ông, đàn bà biết gì.

-Là vì em không an tâm... Em sợ...

-Việc chi mà không an tâm... Lằng nhằng...Tôi chưa bị ai hỏi kiểu đó...

-Nếu anh cứ cương quyết không nói, từ nay em nhịn...

Người đàn ông hủi nheo nheo mắt nhìn chị và nói như van:

-Nhưng mà trời ơi, hỏi chi hỏi miết vậy? Người ta đưa được cái gì về thì cứ ăn đi chứ... Hỏi nhiều quá... Đàn bà...

Chị thôi cũng chẳng nói.

Chợt ông thở dài:

-Mấy ngày liền không có ai chết?

-Để anh đi đưa đám, lấy công à?

-Chết thì mặc xác người ta... Đưa đám làm chi, lấy công ai...

Sẩm tối, vọng trong không gian hoang vắng của những triền cát eo éo tiếng kèn đám ma. Ông chồm người ngồi dậy, lắng nghe rồi hào hứng tuyên bố:

-Nấu cơm nhá, nhiều vào.

Chị ngơ ngác:

-Ngày mai lấy chi ăn?

-Hai ngày nay ăn cháo xót ruột lắm. Hôm nay nấu nhiều cơm vào, nấu hết, ăn cho bõ, khỏi lo...

Chị lúi cúi nhen lửa.


Người đàn ông hủi im lặng ngồi hút thuốc. Chị có cảm giác là ông ấy đang muốn nói với chị một điều gì đó vô cùng hệ trọng. Chị hồi hộp, nửa muốn nghe ông nói, nửa không. Nhưng thật lâu, dễ chừng cả nửa giờ, ông vẫn lặng câm. Chị nghe rõ tiếng ông thở dài. Chị nghe rõ tiếng bàn chân ông cọ xát trên nền cát. Mãi mãi không thấy ông nói gì, chị sốt ruột, gặng hỏi:

-Anh có chuyện chi cần nói à?

Ông luống cuống phân bua:

-Đâu có... Đâu có... Có chuyện chi đâu...

Ông bước vội ra ngoài. Chị nhìn theo ông ái ngại...

Lạ quá, đêm nay chị lại không ngủ được. Đêm nay chị bỗng hướng mọi ý nghĩ về người đàn ông hủi. Chị lo lắng, nỗi ám ảnh của chị, dằn vặt chị, hình như chị cảm thấy người đàn ông ấy đang làm việc gì đó tội lỗi. Mà việc gì? Chị không biết. Nhưng gương mặt hiền khô, trong trẻo của người đàn ông lại làm chị không đủ can đảm để nghĩ xấu về ông. Nhưng tại sao ông lại đi trong đêm? Tại sao ông lại tỏ ra vui mừng khi làng có đám tang? Đột ngột chị vùng dậy, vội vã vấn tóc, vội vã ủ ấm cho đứa con rồi chạy ào ra khỏi căn lều. Đêm tối nhờ. Cát trắng nhờ. Không gian cũng nhờ nhòa hoang lạnh. Chị không biết chạy về hướng nào. Chị đứng yên. Rùng mình. Chị cảm tưởng như quanh mình đang trồi dậy rất nhiều bóng người, trắng nhợt, yếu ớt, chui lên từ cát, rất nhiều thân xác của những người chết đang vây bọc lấy chị. Chị nắm chặt tay, nhắm mắt, định thần một lúc rồi cứ hướng có tiếng kèn đám ma hồi chiều chạy như ma đuổi. Chị không nhớ là mình đã băng qua bao nhiêu động cát. Đêm sương lạnh. Khuôn mặt chị đẫm sương. Bàn chân chị chạy mò mẫm, giẫm đạp lên rất nhiều những thân cây xương rồng mà không hề thấy đau. Chị cắm cúi chạy. Vẳng xa trong đêm tiếng khóc của con chị. Chị chần chừ nửa muốn chạy tiếp nửa muốn quay về. Đột nhiên chị nhìn thấy một bóng đen thoáng hiện sau mô cát mà chị biết đó là ngôi mộ. Bóng đen biến mất, tựa như lặn sâu xuống cát. Chị thận trọng tiến đến. Trước mặt chị là một cái hố đen ngòm vừa bị đào bới lên. Chị nín thở bò lại. Chị sợ run cầm cập. Dưới đáy hố, một bóng đen đang hì hục lôi cái xác chết ngồi dậy. Xác chết oặt qua oặt về, ngã ngớn trong bàn tay vội vã hấp tấp của người đàn ông. Chị sợ đến nghẹt thở. Người đàn ông vẫn cố dựng xác chết ngồi dậy rồi ông ta hấp tấp lột truồng xác chết, lột hết, không còn mảnh vải, sau đó ông ta buông tay, xác chết rơi đánh ùm xuống đáy quan tài. Người đàn ông ngồi thở dưới mộ. Chị bàng hoàng nhận ra đó là người đàn ông hủi. Chị cũng se lòng khi biết rằng, người đàn ông hủi đang lấy cắp quần áo của xác chết. Và có thể, chị đoán vội, có thể ông ta sẽ đưa bán những bộ quần áo này để mua gạo, cá mắm, nuôi mình và nuôi mẹ con chị. Người đàn ông đậy nắp quan tài, ôm quần áo bò lên khỏi miệng huyệt rồi hấp tấp vùi cát xuống. Người đàn ông làm không ngưng tay. Chỉ lát sau, ngôi mộ lại nguyên như cũ. Người đàn ông đưa chai rượu nhỏ lên miệng, tợp một ngụm, khà một tiếng rõ to. Lúc ấy, như có ai đang xô đẩy sau lưng mình, chị chồm cả người tới, hùng hổ như một con thú:

-Trời ơi, anh kiếm sống như thế này đấy à?

Người đàn ông giật bắn người. Nhận ra chị, ông ta cúi gằm mặt, lí nhí:

-Em đến đây làm gì?

Chị hơi nhảy giật lùi ra sau khi nghe tiếng "em" từ người đàn ông gọi mình. Nhưng chị quên ngay chuyện đó, lại lao vào, giằng lấy cổ áo người đàn ông, tiếng chị uất nghẹn:

-Đồ khốn. Hết cách kiếm sống rồi hay sao?

Người đàn ông ngồi im, mặc cho chị cào bới trên mặt.

Chị như phát điên lên:

-Tởm lợm. Lâu nay anh nuôi mẹ con tôi bằng những công việc tởm lợm như vậy sao?

Chị òa khóc.

Người đàn ông vẫn lặng câm, từ tốn xếp đặt những thứ áo quần, vải vóc vừa tước đoạt của người chết.

Rồi họ im lặng. Chị không dám nhìn mặt người đàn ông. Chị đứng vụt dậy, cương quyết về nhà để bồng con đi ngay trong đêm. Có vẻ như người đàn ông biết chuyện đó, bàn tay ông ta riết lấy tay chị:

-Khoan đã...

Chị đứng im.

-Khoan đi đã...

Chị không nhúc nhích.

-Tôi không ăn cắp của người đang sống. Tôi chỉ là...

Chị vẫn đứng im.

-Chị biết đấy. Tôi bị tật nguyền, mọi người xa lánh, đuổi tôi ra trên cát. Rồi thêm mẹ con chị. Nếu không làm thế này, lấy gì sống.

Ông nằm vật ngửa người trên cát, tối thui như một dấu trừ. Tiếng ông đục ngầu:

-Tôi ăn cắp quần áo của người chết, rồi đem bán cho thiên hạ, khi lấy tiền, khi cầm gạo, đắp đổi qua ngày. Người chết họ không biết chuyện đó. Họ không trách...

Chị nói trong nước mắt:

-Tội ác đấy anh ạ. Người ta chết rồi, có thể người ta không biết... Nhưng chẳng lẽ với người chết cũng không được yên ổn sao...

Ông khóc. Chị nghe rõ tiếng khóc nghèn nghẹn của ông. Chị thấy sống lưng lạnh buốt.

-Cùng đường thôi chị ạ. Không làm thế này, thì tôi bất lực, không biết sống ra sao. Nếu chị khinh tôi, chị cứ đi...

Chị đứng dậy bước đi. Ông cũng bước theo, không quên ôm bọc quần áo vải vóc của người chết. Ông đuổi kịp chị. Họ đi bên nhau, lầm lũi, cay đắng. Không ai nói với ai. Chỉ có tiếng bước chân xoàn xoạt trên cát ẩm. Chỉ có tiếng gió thi thoảng thổi tạt qua mặt. Chị nghe văng vẳng xa vời tiếng gà gáy sáng.

Gần đến căn lều, chị dừng. Ông cũng dừng. Họ đứng im phắc. Không ai nhìn nhau, cũng không ai nói gì với nhau. Tự dưng chị thấy lành lạnh ở sống lưng. Tự dưng chị cảm tưởng hình như tai họa ở đâu đang chực đổ sập xuống đầu chị. Tự dưng chị thấy nhói đau trong lồng ngực. Chị kín đáo nhìn sang người đàn ông hủi. Người đàn ông hủi đang run bần bật. Rồi đột ngột, người đàn ông hủi buông tay, bọc vải vóc quần áo của người chết rơi xuống cát, và cả thân thể của ông cũng rơi xuống cát, rơi như một thân chuối đổ. Chị hoảng sợ định lao tới nhưng không hiểu sao toàn thân chị cứng ngắc. Chị há hốc mồm ra nhìn.

Đột ngột giông. Một tiếng sét đánh ngang trời. Tiếng sét rất lớn, ánh sáng của nó xé nát bóng đêm, xé nát cát, xé nát nỗi hoảng sợ trong chị. Người đàn ông hủi vật vã, gào rống, lăn lộn điên cuồng. Tiếng hò hét của ông náo loạn cả một vùng, man dại, dữ dằn như tiếng gào của một con thú rừng trúng đạn. Chị quỳ xuống bên cạnh ông. Ông gào lên đứt quãng:

-Gái ơi...Tôi yêu chị... Tôi muốn lấy chị làm vợ... Nhưng mà không kịp nữa rồi, không kịp...

Chị chưa kịp phản ứng thì từ miệng ông hộc ra cả một dòng máu tươi, chảy lênh láng trên cát. Ông chết. Ông chết trong tư thế như đang van xin tình yêu đối với chị, như đang giang tay đòi ôm hôn chị, như tư thế của một người chồng với tay đến người vợ của mình. Ông chết. Lặng câm. Chị cũng lặng câm. Trời không sấm sét nữa. Lại ló rạng một mảnh trăng non treo cao vời vợi. Người đàn ông hủi nằm cong người trên cát trắng, như bóng của trăng lưỡi liềm đêm nay. Chị bật khóc một tiếng, hai tiếng, nhiều tiếng. Chị thấy nhói lên trong tim niềm thương cảm vô bờ bến đối với ông. Chị nghĩ rằng, nếu ông vẫn sống, có lẽ lời tỏ tình của ông sẽ làm chị đắm say mà gật đầu, mà chấp nhận... Nhưng bây giờ ông đã chết rồi, ông nằm yên đấy rồi, trước mắt chị, trong tầm tay bất lực của chị.

Chị chôn ông trong cát. Chôn kĩ. Rồi chị bế con ra khỏi căn lều. Chị châm lửa đốt cháy căn lều. Chị bế con đi. Sau lưng, ngọn lửa cháy phừng phừng. Trước mặt, trăm ngàn con đường trên cát, trùng trùng đồi cát, trùng trùng bóng đêm. Bóng hai mẹ con chị nhòa vào đêm.

Tiếng gà gáy dồn.

Bàn chân chị bước dồn.

Và đứa bé chợt khóc thét lên, phá tan bóng đêm đang trĩu nặng. Tiếng khóc của đứa con gái chị, có tên là Phạm Thị Nhớ như có sức mạnh rẽ đêm, rẽ cát cho chị đi. Ôi kìa, xa xa, ló rạng bình minh đang dần chói lòa trên biển...

(Hết)

Đứa con (truyện ngắn Nguyễn Quang Vinh)

PHẦN 1


Chị chồm người lên cát mà chạy. Đúng hơn là chị đang cố sức kéo thân thể mình trên đôi chân đã trở nên yếu ớt. Tiếng thở nặng trịch như có cả hòn đá đè bít lấy cuống họng. Trước mắt chị, đêm hoang tàn bao phủ. Cũng may là cát trắng đã phần nào đánh loãng được bóng đêm để chị còn lờ mờ nhìn thấy phía xa xôi bóng dáng của đôi hòn Vú Cát. Mồ hôi chị chảy bít cả hai lỗ mũi. Hai cánh tay chị thỉnh thoảng phải cào mạnh xuống triền cát để đẩy người lao thật nhanh vào đêm, vào mênh mông cát, tránh xa làng mình, tránh xa đám người rùng rùng cầm đuốc, rùng rùng tỏa ra các ngả đuổi bắt chị. Tiếng trống làng dồn từng hồi. Tiếng thanh la. Hình như còn có cả tiếng dùi gỗ đang đánh phèng phèng vào mâm đồng. Dù đã kiệt sức, dù chị đang nghe tiếng tim mình đập lụp bụp bên tai, dù vậy thì chị vẫn nhận ra rất rõ tiếng Lý trưởng của làng đang xeo xéo gào thét. "Bắt lấy nó. Mẹ cha con đĩ". Ai đó như là mụ đàn bà béo bán rượu: "Con đĩ. Con chửa hoang. Nó bôi tro trát trấu vào gia phong của làng. Bắt lấy nó, cạo trọc đầu nó ra, bôi cả bãi cứt trâu lên mặt nó cho tao". Lại ai đó chửi bà béo bán rượu: "Cút. Bà là cái con gì ở làng mà dám ra lệnh? Câm mồm đi". Không thấy rõ mặt người. Chỉ rùng rùng hàng trăm ngọn đuốc tỏa ra lại cụm vào, lúc ẩn lúc hiện sau hàng tre, sau cụm xương rồng, sau vạt cây phi lao, lô xô sau động cát chạy dài và tất cả đang tiến lại gần chị. Dốc triền cát cao dựng trước mặt. Chị cà cái bụng chửa gần ngày sinh nở lên mặt cát, dùng tay, chân và chút sức tàn cố kéo nó đi, vòm bụng ủi một vệt cát ngoằn ngoèo, còn đáy lưng của chị thì thắt lại, chẹn ngang hơi thở. "Chịu khó cho mẹ một chút nghe con. Đừng đạp chân đạp tay như thế làm mẹ đau lắm, mệt lắm". Chị thì thầm với cái thai trong bụng. Chị đặt cả hai bàn tay lên bụng vuốt nhẹ như an ủi. Nhưng chị hoảng hồn rụt tay lại. Hai bàn tay chị ướt đẫm. Chị ngỡ là máu. Nhưng không, đó là mồ hôi. Khốn khổ đứa con của chị, cái bụng chửa đổ mồ hôi nhiều đến thế. Một số người đột nhiên nhô cao sau động cát, đuốc cháy sáng rực, chỉ cách chị vài chục bước chân. Hoảng hốt, chị nằm đè lên cát, nghiêng người đạp chân và lăn nhanh xuống một hố cát nhỏ. Đám người lao qua chị. Một tiếng đàn ông: "Ngu rồi bay ơi. Nó chạy lên động cát làm gì? Chắc chắn là nó trốn ở đồng mía. Quay lại". Họ quay lại, một cây đuốt trên tay ai đó sắp tàn, anh ta vứt xuống cát. Ngọn đuốc rơi ngay bên đầu của chị, lửa bén vào tóc cháy xèo xèo, nóng rực. Chị không dám kêu. Chị đưa một tay lên đám tóc đang cháy dúi mạnh lọn tóc trong cát. Nhựa tóc cháy khét lẹt. Tiếng người đuổi xa dần. Tiếng trống cũng đã thôi đánh. Chị chống người đứng dậy ngóng mắt nhìn về phía làng, nơi mà suốt mười năm trời chị là con ở. Chị đứng thẳng trên cát, hai tay chống vào eo lưng đỡ lấy cái bụng chửa. Chị nhìn tứ phía. Không gian đã bình yên. Chị hít một hơi thở thật sâu rồi từ từ thở ra như trút khỏi mình mối nguy hiểm đeo bám suốt cả buổi tối. Chị thọc tay vào túi áo, lấy ra miếng tiết heo to bằng nửa bàn tay, chưa kịp luộc, còn tanh mùi máu, nhai ngon lành. Đấy là miếng tiết chị dấu được từ hồi chiều ở nhà Lí trưởng. Cơn khát dịu xuống. Chị ưỡn người, bước, bước, bước...Có một sức mạnh nào đó rất kỳ lạ như nâng bỗng chị lên. Những bước chân trên cát không còn nặng trĩu, tựa như cát đang lăn qua dưới gan bàn chân; tựa như từ đỉnh vú cát đang có một sợi dây mỏng tang, bền chặt, như tấm lụa, vấn víu lấy cơ thể chị để kéo nhanh về phía trước. Gió ào ào thổi. Gió mát lạnh từ biển thốc ngược tới, ngọn gió nồm quý báu làm bay nhanh mồ hôi trên cơ thể chị. Nhưng khi chị thấy mình đang khỏe khoắn, trường sức, đang có thể đi ngay thật xa thoát khỏi mảnh làng thì cái bào thai động cựa dữ dội. Chị bấu hai bàn tay vào bụng vừa bước vừa xuýt xoa. Gần lắm rồi, nơi hòn vú cát đó, trước mắt có thể cho chị ngủ qua đêm. Nơi ấy có những cây xương rồng cao lớn, chị có thể nép mình an toàn dưới những hàng cây xương rồng cho đến hết ngày mai, ngày kia mà không sợ ai nhìn thấy. Nhưng chị không còn bước mạnh như trước. Cơn đau dữ dội. Đứa con quẫy đạp dữ dội. Hai chân chị khịu cả xuống cát, nước mắt không biết vì lý do gì lại chảy nhiều đến thế. Chị bổ chồm lên cát, hai đầu gối co rụt lại cố ép bào thai thật chặt cho đỡ đau. Rồi đột ngột một ý nghĩ ào tới khiến chị phát hoảng, có thể là chị sắp sinh nở. Giữa mênh mông cát, mênh mông gió, giữa bao la đêm đen, một mình chị và nỗi lo bị truy đuổi, làm sao có thể sinh nở. "Làm sao mẹ có thể sinh nở lúc này hả con? Con tệ lắm con ạ. Con tệ như nhà ông Lí trưởng". Chị cà mạnh đỉnh bụng xuống cát. Rồi tay chị quờ phải một túm gai xương rồng khô. Như kẻ tâm thần, trong cơn đau sinh nở riết róng, chị cầm cả nắm gai xương rồng dí mạnh vào lớp da bụng, kéo chà những mũi gai nhọn hoắt trên bụng mình. Cái nỗi đau gai nhọn có vẻ như làm nhòa đi phần nào nỗi đau sinh nở. Chị thở hổn hển. Biết là không thể chống lại ý định ra đời của đứa con, chị vùi mặt trong cát, dùng tay chân đẩy người thật nhanh về phía trước. Trong vòng nửa giờ, chị vật vã với quãng đường ngắn ngủi đến vú cát, chị nuốt cạn nỗi đau, và khi chị kịp nhìn thấy mình đã tới đỉnh vú cát, nhìn thấy toàn thân đã lọt thỏm trong vòng cây xương rồng thì chị thiếp đi tự lúc nào. Cơn đau sinh nở đã đánh thức chị. Chị hiểu, chẳng còn cách gì hơn là tự chị phải chuẩn bị cho việc đứa con sắp ra đời...

Với một tâm thế tỉnh táo đến gan góc, tựa như định mệnh đã sắp đặt như vậy, rằng, chị phải sinh nở một mình trên cát, đứa con của chị phải ra đời trong cát. Chị lật nghiêng người, một tay cấu vào bụng chửa, dằn lại những cơn đau, một tay xộc xuống cát, bới rất nhanh một cái hố vừa đủ sâu, vừa đủ chạm tới lớp cát ướt phía dưới. Thậm chí chị còn đủ thời gian để sửa sang hố cát ấy cho thật phẳng phiu, như một cái nôi đặt sâu trong cát trắng. Vừa may, trăng non lấp ló sau những đám mây, đủ cho chị nhìn rõ mọi vật cạnh mình, đủ cho chị thấy được những bông hoa xương rồng xòe trắng trên cao. Chị nằm ngửa ra thở. Tay chị vốc một nắm cát ướt thẫm, mát lạnh đặt lên bụng. Cơn đau có vẻ như dịu hẳn lại, yên ổn. Chị mở mắt trừng trừng nhìn lên bầu trời bao la và non nớt trong ánh trăng mỏng tang. Chị nghe tiếng thì thào đâu đó, lúc gần lúc xa nhưng sao mà thiết tha đến vậy. "Gái. Không nhớ anh thật à? Anh đây mà, thằng Chuột xóm Một đây." - "Em nhớ rồi." - "Anh không ngờ em lại đi ở cho nhà Lí trưởng." - "Em mồ côi, không đi ở thì còn biết làm gì chớ?". Chị thì thào. "Chưa trốn được. Hãy chờ anh một thời gian. Anh tìm em là để nói với em rằng, anh đi Việt Minh. Làng mình con trai theo Việt Minh nhiều lắm." - "Việt Minh là gì?" - "Là những người căm thù bọn nhà giàu, bọn giặc Pháp. Việt Minh cứu dân nghèo." - "Rồi anh sẽ về cứu em chứ?" - "Hẳn rồi." - "Rồi chúng ta sẽ là vợ chồng chứ?" - "Hẳn rồi." - "Khi nào?" - "Chờ anh nhé." - "Nhưng đến khi nào?" - "Anh không biết, đêm nay anh phải đi." - "Em sợ có thai anh ạ" - "Anh cũng sợ...". Chị vẫn như nhìn thấy đống rơm rung lên bần bật. Chị như nhìn thấy tấm thân trần truồng của anh vùi kín trong rơm rạ, vùi kín trong mái tóc của chị, trong đôi tay khao khát của chị, trong cơn đau hạnh phúc của chị, trong cả nước mắt đón nhận và chia ly. Có một giọt máu tươi ở đâu đó trong chị vương lên một cọng rơm. Rồi tiếng gà đột ngột gáy. Rồi anh đột ngột đi. "Gái ạ. Anh sẽ quay lại tìm em". Chị thao thiết: "Anh sẽ quay lại với em chứ?". Anh cắn chị rất đau ở bã vai và biến mất trong đêm. Cái vết cắn của anh chỉ mười hôm là lành, nhưng chị chờ anh suốt chín tháng vẫn biệt vô âm tín. Chị gói bào thai trong lần vải, gói mãi, gói mãi...cho đến hôm qua, bất ngờ sợi vải bung ra, cái bụng chửa của chị lọt vào mắt bà Lí. Khốn khổ nữa là bà Lí lại vu cho chị đã ăn ngủ với ông Lí. Chị bị tống cổ ra khỏi làng...

Nước mắt chảy dài trên má chị. "Gái ơi. Bây giờ mày làm gì để sống? Có thể đêm nay mày sinh con, nhưng ngày mai, giữa đồi cát trắng chói chang này, mẹ con mày sẽ bị nướng cháy. Ngộ nhỡ ngày mai anh Chuột về?". Chị khóc. Chị nhớ anh. Chị nhớ cái đêm trong đống rơm ấy. Giá như chị có thể gặp anh lúc này...

Mọi ý nghĩ của chị lại tan biến khi dồn dập những cơn đau đột ngột đè dúi chị lún sâu trong cát.

Dù chưa một lần nghe ai nói về chuyện sinh nở, nhưng tạo hóa đã chuẩn bị trong mỗi người đàn bà khả năng làm mẹ, có thể vụng về, có thể là sợ hãi, nhưng rốt cuộc, bất cứ người đàn bà nào cũng được tạo hóa ban phát cái khả năng lạ kì, khả năng tạo lập nòi giống. Chị cũng vậy. Khi mà một dòng nước bất ngờ ùa ra từ người chị, xòa xuống cát, chị hấp tấp vụp cả hai bàn tay xuống phía dưới rồi dùng toàn lực, gập cong người, đẩy mạnh đứa con lọt thỏm trong bàn tay run rẩy của mình. Đứa bé chuồi khỏi tay chị, lăn ra cát và khóc lên ngằn ngặt. Chị khó nhọc nhổm người lên, dưới ánh trăng, một sinh linh bé nhỏ lấm lem cát đang khóc ngằn ngặt, thân thể nó còn vương cả một đoạn nhau đỏ tươi máu. Chị cúi thật sát đầu xuống đứa con, đưa đoạn nhau vào miệng và cắn đứt tới sát rốn. Đoạn chị lấy sợi chỉ ở túi áo, buộc chặt mẫu rốn rồi vội vàng quàng cái áo của mình quanh thân thể đứa con, ôm chặt nó vào người. Chị nằm ngửa ra cát, thở hổn hển, đứa con vắt ngang trên ngực. Chị cảm thấy trong người như bị rút hết trọng lượng, nhẹ tâng tâng và sau đó chị lịm dần trong tiếng khóc ngằn ngặt của đứa bé.





Mắt chị như có hai đốm lửa. Trong mơ màng, chị cảm thấy mình đang bị lửa đốt vùi, nóng rát. Chị choàng mắt. Mặt trời treo lơ lửng trước mặt. Chị đưa lưỡi liếm cặp môi khô bỏng. Đột ngột hai cánh tay rã rời của chị quờ mạnh trên người. Đứa con của chị nằm im, phơi dưới nắng chang chang và khô quắt lại. Chị bế lấy con, vùng người ngồi dậy. Đứa con của chị đã cứng đơ như một con cá khô. "Không. Con đừng chết. Đừng chết". Chị hét lên. Mắt chị nhìn quanh như cầu cứu, như tìm kiếm một cái gì đó, một cái gì đó chị cũng không hề biết để cứu lấy đứa con của mình. Quanh chị chỉ là cát trắng. Những bụi cây xương rồng nhìn chị vô cảm. Quanh chị, cạnh hố cát, máu đỏ bầm thấm khô, bong lên từng miếng. Bất lực chị áp mặt vào đứa con. Một chút hơi thở mong manh và yếu ớt lướt qua má chị. Một tiếng khóc xa vời vợt vẳng qua bên tai chị. Chị xốc đứa con dậy, đưa cái miệng khô rộp, bé xíu của nó vào vú mình. Một tay chị đỡ đầu đứa con, tay kia vuốt thật lực vào đầu vú. Chị cắn răng lại chịu đau, bàn tay vò xoắn, vuốt véo bầu vú như người ta đang vắt một tấm chăn. Một dòng sữa trong vắt ít ỏi tứa ra, rơi từng giọt vào miệng đứa bé. Lúc đầu làn môi bé nhỏ không cử động. Nhưng chỉ một chút sau đó đứa bé nhấp môi và bắt đầu mút yếu ớt vào núm vú. Rồi chị như có thể òa lên khóc khi đôi mắt đứa bé mở tròn ngơ ngác, còn miệng nó thì ngậm núm vú mạnh hơn. Thân thể đứa con của chị đang hồng hào trở lại trong tay mẹ. Chị thở phào nhẹ nhõm khi biết rằng với những giọt sữa non đầu tiên của đời một người đàn bà, chị đã cứu sống giọt máu của mình và anh ấy.

Chị cho con bú thêm một lúc nữa rồi dùng tay đào thật sâu một hố cát ngay dưới gốc cây xương rồng. Chị khoét hố cát ấy một cách cẩn thận. Dưới sâu lòng cát, cát mát lạnh, dễ chịu. Chị sẽ sàng đặt đứa con vào trong hố cát như đặt trong cái nôi. Đứa bé ngủ. Chị chống tay ngồi dậy, nhìn quanh mình. Điệp trùng cát. Điệp trùng nắng. Điệp trùng xương rồng. Chị biết, sau những động cát kia là làng Vú Cát. Nếu đến được đó, mẹ con chị sẽ được cứu sống. Chị vẫn thường mua rượu của người làng Vú Cát cho nhà Lí trưởng nên không ai không biết chị. Nhưng làm sao chị đủ sức đến được đấy? Ôi nước. Giá như ngay lúc này ai cho chị một gáo nước. Và cả cơm nữa, chị đang đói thắt cả ruột. Chị nhướn người nhìn cao lên khỏi tầm che của bụi cây xương rồng. Thế gian như trốn chạy khỏi tầm nhìn của chị, bỏ rơi chị, thế gian chỉ còn là màn cát trắng, không mảy may có dấu hiệu của sự sống. Nắng vẫn dội cái nóng xuống mẹ con chị. Và nếu cứ như thế này, chỉ một ngày nữa thôi, mẹ con chị sẽ chết khô trên cát. Nghĩ đến vậy chị đã bủn rũn chân tay. Nước mắt chảy thấm trên làn môi khô rộp của chị. Nếu có một sức mạnh thần linh nào đó xuất hiện, có thể chị chịu chết một mình còn đứa con của chị sẽ được thần linh nâng bỗng lên thật cao, rất cao, lồng lộng giữa đất trời và thả xuống cái nôi của một gia đình nào đó. Nhưng ngay cả sức mạnh thần linh dù là trong tưởng tượng cũng không đoái hoài đến chị. Chị bất lực. Bất lực ngay cả với mạng sống của bản thân mình chứ đừng nói đến việc phải cứu đứa con. Chị rùng mình khi nghĩ rằng, có thể đứa con vì đói khát mà chết trước chị. Không. Không được như vậy. Nếu chết, xin trời hãy cho chị được chết trước. Chị chết khi đứa con còn sống vẫn còn thanh thản hơn là thấy con mình chết mà mình đành bất lực. Nhưng mà trước khi xảy ra điều bi thảm đó, con chị cần có tên. Đã làm một con người, dù chỉ một giờ, một ngày cũng cần phải có một cái tên. "Con ơi, mẹ đang đặt tên cho con gái mẹ đây. Con nhớ thật kỹ nghe con. Nếu mẹ chết mà con được sống, xin con hãy nói với mọi người rằng, con tên là Phạm Thị Nhớ... Phạm Thị Nhớ... Phạm Thị Nhớ...". Chị khóc nấc lên khi thì thào với con gái của mình. Tự dưng con gái chị lại mỉm cười. Ôi khuôn mặt bé thơ non dại mỏng manh của nó lại đang rạng ngời lên một nụ cười, tươi xinh, nhìn đến ngọt mắt say lòng, nhìn đến thỏa thuê, cái nụ cười đầu tiên của đời một con người đang đọng mãi trên khuôn mặt con gái chị. Thế là chị quên đói, quên khát, thế là như có ai đang bồng chị dậy, đang cõng chị trên vai và kéo cả hai mẹ con trên cát, kéo miết, kéo miết rồi toàn thân chị đẫm mát trong bóng râm vững chãi, không còn nắng, không còn nóng, lơ mơ như là một ngôi nhà, một căn lều, lơ mơ như là có ai, một người đàn ông đang đứng trước mặt chị. Hóa ra cái mà chị tưởng mình lơ mơ nhìn thấy lại sự thật. Hóa ra chị đã ngất xỉu tự lúc nào và có ai đó, một người đàn ông đã bế xốc chị cùng đứa con về nơi ở của mình. Chị định thần lại và nhìn kỹ hơn. Một căn lều che bằng là chuối và rơm rạ, thấp tẹt như cái lều chăn vịt. Và rõ ràng một người đàn ông đang đứng trước mặt chị. Nhưng ông ấy có cái gì khác lạ, không bình thường. Trời ơi, ông ta bị hủi. Chị phát hoảng nhìn. Bàn tay cụt hẳn mấy ngón với lớp da đỏ hồng, lở lói mang đến chị một ca nước. Chị ừng ực uống. Chị tỉnh táo hơn một chút, khỏe lại, hết bỏng rát nơi cuống họng. Người đàn ông có giọng nói khê chua, cộc lốc:

-Tưởng chết cả mẹ lẫn con... Chết không có gì chôn ở giữa cát này đâu. Mà sao không chết? Chị chửa hoang à?

Chị cố cãi:

-Tôi không chửa hoang...

Người đàn ông cười khì khì:

-Có chồng mà lại đẻ đái giữa cát, điên.

-Tôi không chửa hoang mà... Anh ấy...

-Khì... Thằng ấy nó chạy rồi chứ gì...

-Anh ấy đi làm cách mạng...

-Khì...Đi làm cách mạng lại để vợ con đẻ đái trên cát à? Làm cách mạng cho ai... Đừng lừa tôi... Cởi hết áo ngoài ra...

-Ông làm cái gì thế?

-Cởi ra... Tôi nắm sẵn cơm muối đây rồi... Để tôi bóp vú cho chị... Bóp kỹ thì sữa mới nhiều...

-Không...

Người đàn ông từ tốn bước đến, đè ngửa chị ra giường, giật tung áo, dằn nắm cơm còn nóng lên bầu vú của chị. Chị không đủ sức chống đỡ. Chị đau buốt toàn thân. Hai bầu vú bị người đàn ông nhay mạnh làm chị cong gập cả người. Người đàn ông không mảy may để ý đến chị. Hai bàn tay cụt ngón với nắm cơm chà xát trên bầu vú của chị. Rồi ông ta dừng tay. Ông ta nhìn xăm xoi trên vú chị. Lại đưa một ngón tay còn nguyên phết trên núm vú và đưa lên lưỡi nếm, gật gù:

-Sữa ra rồi, mát đấy, thơm đấy nhưng có vẻ hơi ít... Con so nhỉ?

(PHẦN 2)

Chị im lặng nằm thở. Ngực đau tê tái. Người đàn ông đưa nắm cơm cho chị. Chị ăn ngấu nghiến, ăn vội, ăn nghẹn, hớt hãi. Người đàn ông bước khập khễnh ra khỏi túp lều. Chị vùi mặt vào ăn. Người chị như được tiếp thêm sức lực. Chị bế con lên, dúi miệng nó vào bầu vú và ngồi lặng nhìn con bú. Đứa bé bú thật khỏe. Đầu vú chị bị miệng đứa con nhay sữa làm dậy lên trong toàn cơ thể một cảm giác gì đó khó giải thích, mơn man, xao xác, một cảm giác thiêng liêng của tình mẫu tử, của sự bổ sung vào xúc cảm người đàn bà lần đầu có con. Chị nhắm nghiền mắt, buông tay, khẽ đặt đứa con ngang tầm ngực và chị thiếp đi trong hạnh phúc dâng hiến qua dòng sữa non tươi đầu tiên của một người mẹ. Trong mơ màng, chị nhìn thấy anh Chuột của chị. Ôi anh. Anh cao lớn, vâm váp. Anh chạy ùa tới mẹ con chị, bế bỗng cả hai mẹ con lên, lao ù ù ra đồi cát. Anh cười vang động cả không gian. Chị cũng cười. Đứa con cũng cười. Rồi họ ghì chặt nhau. Rồi anh chợt im lặng. Và chị lại thấy anh khóc. Nước mắt anh chảy qua má chị, qua thân thể đứa con và nhòa vào cát. Rồi không hiểu sao anh yếu ớt rã rời trong tay chị. Chị còn chưa kịp định thần thì cát lôi kéo anh lún sâu xuống. Chị chới với níu lấy anh, cố giằng kéo anh lên và khóc thảm thiết. Lạ quá, anh lại nhìn chị cười, nụ cười tươi tắn, mãn nguyện, hơn thế, anh lại còn đưa tay vẫy mẹ con chị, tựa như anh đang đi xa, rất xa. Mà anh đi đâu? Anh đi đâu lại mất hút dần trong đất, trong cát, lại như đang tan biến trong không gian. Chị ghì chặt lấy con và bất lực nhìn anh đang bị cát nuốt chững. "Không. Anh ơi. Anh xuống đất làm gì. Mẹ con em ở trên này cơ mà...". Không còn nhìn thấy bóng dáng anh đâu nữa. Chỉ còn mơ màng khuôn mặt ngời ngợi của anh, mái tóc bồng bềnh của anh và tiếng cười trầm uất của anh. Cuối cùng, trước mặt chị chỉ còn là cát, vẫn cát, tinh nguyên, vô cảm, nóng rát, anh đã biến mất hoàn toàn trong cát, không dấu vết. Chị gào khóc. Chị vẫy vùng. Chị quay cuồng điên loạn. Một hồi kèn đồng rúc lên ghê rợn. Chị choàng mắt thức giấc. Chị nhìn căn lều, nhìn đứa con đang ngủ say, từ nảy giờ chị nằm mơ, đã mơ là không có thật, nghĩa là anh Chuột của chị đang đi làm cách mạng, đang ở đâu đó rất xa và đang ngày đêm thương nhớ mẹ con chị. Chị thở hắt ra. Rồi chị vội ghì lấy con hôn lấy hôn để, tựa như chị muốn thay anh ấy hôn hộ đứa con gái bé bỏng của mình. Nhưng mà hình như cũng không phải mơ. Mọi cái như mơ còn tiếng kèn đồng thì có thật. Chị ngồi thẳng người lắng nghe. Tiếng kèn đồng đang rúc lên từng hồi ghê rợn. Tự dưng chị lại thấy sợ. Tự dưng chị thấy có vẻ như đang có tai họa ập xuống đầu mình. Chị thấy bất ổn. Chị rón rén ôm con bước lần ra cửa nhìn. Một toán lính Pháp đang dẫn giải một người đàn ông đi lên một mỏm cát. Súng chỉa tua tủa quanh người đàn ông ốm yếu và đang bị trói chặt. Một tên lính kéo chà người đàn ông đi. Người đàn ông cỡi trần, tấm lưng nham nhỡ vết đánh ngang dọc, bầm máu. Người đàn ông cúi gập người, bước xiêu xiêu, trông đã yếu lắm. Một cơn gió mạnh thổi tràn qua mặt chị, tràn qua mỏm cát, tung cát lên che khuất đám người. Chị rướn người lên nhìn và không tin vào mắt mình nữa. Anh Chuột. Trời ơi, người đàn ông đang bị bon lính Pháp dẫn giải đi là anh Chuột của chị, tình yêu của chị, hạnh phúc của chị, niềm khát khao cháy bỏng của chị. Chị vừa định mở mồm gọi tên anh, cũng vừa định lao vụt ra với anh thì người đàn ông hủi đột ngột xuất hiện, bịt miệng chị lại, giằng kéo chị lại. Chị trợn mắt:

-Đồ ngu. Không biết gì sao? Anh ấy là cha đứa bé, là chồng tôi.

Người đàn ông hủi đè dúi chị vào trong căn lều, dằn cả thân thể cường tráng lên người chị:

-Muốn chết à? Anh ấy là Việt Minh. Bọn Pháp mang anh ấy đi bắn đấy.

Chị quẫy đạp dữ dội và gào lên:

-Buông tôi ra. Không. Anh ấy là chồng tôi. Không được bắn.

-Im nào. Chúng nó nghe thấy, chúng nó quay súng bắn chết chị và đứa bé trước đấy.

-Cái gì?

-Không làm gì được đâu. Chị muốn chết thì tùy, phải cho đứa bé sống chứ. Trong nhà, cần phải có một người sống.

Chị chưa kịp cãi lại người đàn ông thì một loạt tiếng súng vang rền. Người đàn ông ghì chặt chị. Chị cắn chặt môi. Nước mắt hay máu chị cũng không biết, nhòa chảy trên mặt chị. Chị nhìn thấy anh Chuột ngả gục xuống cát. Chị nghe thấy anh ấy gọi tên chị. Chị còn nghe thấy tiếng anh ấy gọi con. Rồi tất cả im bặt. Cả tiếng gió thổi cũng ngừng phắt. Cả tiếng thở cũng không còn. Chỉ có tiếng máu chảy ở đâu tự dưng lại dội vang, gào thét như thác, cuồn cuộn đổ tràn qua người chị, nóng hổi và trong màu máu đỏ tươi ấy là khuôn mặt anh tươi rói đang đau đáu nhìn mẹ con chị, một cái nhìn xa vời vợi, xa lắm nhưng sao mà ấm áp, đẫm tình đến vậy. Nhưng tất cả là mơ. Chị đã ngất xỉu trên tay người đàn ông hủi tự khi nào, có lẽ là sau tiếng súng. Và bây giờ, khi chị mở mắt, chị lại thấy người đàn ông hủi đang khóc.

-Chúng đi cả rồi. Ra với anh ấy đi...

Chị lao đến ôm lấy đứa con vẫn đang ngủ say rồi phăm phăm chạy ra phía đồi cát. Người đàn ông hủi cũng lao theo. Có vẻ như cát đang cố tình níu chân chị. Cũng không hẳn vậy, cát đang quặn thắt theo nỗi đau của chị. Mà cũng có thể là cát đang khóc. Nước mắt cát tang tóc trắng bạc, đau xót, trắng hoang tàn trước chị. Chị bổ chồm lên đồi cát, bổ chồm về phía anh. Đứa bé thơ dại khóc ngằn ngặt. Chị cũng òa khóc. Anh kia rồi. Anh của chị. Người tình của chị. Chồng chị. Thân thể anh còn tươi rói. Khuôn mặt anh cũng vậy, tươi rói. Và máu nữa, máu từ những vết đạn ở người anh chảy thấm đẫm trên cát, cũng tươi roi rói. Chị sụp xuống bên cạnh anh. Im lặng. Người đàn ông hủi gỡ đứa con trên tay chị, đứng lùi phía sau. Chị ngồi bên anh. Chị nâng anh lên, nhẹ nhàng đặt anh nằm trên vòng tay của mình. Chị ôm anh vào lòng, vuốt ve, áp mái tóc xơ xác vào ngực anh rồi chị thì thào như hát, như nói, như khóc, như thì thầm...Như hôm nào, bên cội rơm nhà Lí trưởng, họ cũng tựa vào nhau như thế này, để thì thầm, để hát, để khóc...

Trong trăm thứ dầu, nắng dãi mưa dầu là dầu không thắp.

Trong ngàn thứ bắp, lắp bắp mồm lắp bắp miệng là bắp không rang.

Trong vạn thứ than, than thở thở than là than không quạt.

Trong triệu thứ bạc, bạc tình bạc nghĩa là bạc không tiêu...

Trai nam nhi chàng đối đặng, hai dải lụa điều trao chưa?...

Chị úp mặt vào anh:

-Không còn cách nào khác nữa hả anh? Không thể nào về được nữa hả anh? Anh chưa nhìn thấy con...Anh chưa về cứu em... Anh bảo anh đi làm cách mạng để cứu người nghèo, cứu em, sao anh lại ở đây, sao anh lại nằm đây? Thì kệ anh.

Chị nhìn cát. Chị nhìn những bụi cây xương rồng đang trổ hoa trên cát. Chị nhìn những cánh chim sẻ bay hốt hoảng. Và xa kia, những con thỏ trắng hoang dại chạy vun vút. Rồi chị cúi thấp xuống bên anh. Mắt anh nhắm dần lại. Hai cánh tay mạnh mẽ ngày nào ôm riết lấy chị, đôi cánh tay che chở, nương tựa của chị lúc này mềm nhủn, yếu ớt như cánh hoa xương rồng héo. Và cả khóe miệng kia, khi nào cũng mỉm cười đến yêu, giờ nhàu nhò, méo mó, khác lạ, tối tăm. Máu từ những vết đạn trong người anh cũng đã ngừng chảy. Vệt máu khô nhanh trong nắng, bò loằng ngoằng quanh chị như một sợi dây màu đỏ trói chặt chị vào anh. Thái độ câm lặng, đôi mắt ráo, hai cánh tay xanh yếu của chị từ từ đặt anh xuống, nằm thẳng, nằm như ngủ. Rồi chị cào bới cát, từng lớp cát, đào mãi, thành một cái hố dài. Chị ôm anh đặt xuống hố cát. Và chị nằm bên cạnh anh, úp mặt vào anh. Chị chòi chân đạp mạnh vào thành cát. Từng tảng cát rơi xuống, vùi lấy anh và chị. Một bóng đen xuất hiện bất chợt, che lấp cả không gian trước mắt chị. Người đan ông hủi lao xuống như cơn lốc, kéo thốc chị lên khỏi mặt đất, xô ngửa chị ra, rồi vội vàng đặt vào tay chị đứa con nhỏ. Người đàn ông hủi để mặc chị, bước nhanh đến huyệt và dùng hai bàn tay hộ pháp nhưng tật nguyền của mình vùi lấp thân xác anh thành một ngôi mộ. Chị yếu ớt ôm con bò tới. Người đàn ông thở hổn hển:

-Đừng chết theo. Đau mấy cũng phải sống. Tôi đây này, bị hủi, chị thấy rồi đấy, cả làng truy đuổi, đòi chôn sống, nhưng tôi trốn được. Chết thì dễ, sống được mới khó. Sống trong cay đắng, trong cô đơn, trong đói khát bệnh tật, như vậy mà vẫn phải sống, không nên chết. Chị nữa. Sao lại chết theo. Đẻ con ra lại bỏ rơi nó để chết theo anh ấy ư? Không được đâu. Nói vậy cho biết, nếu không phải thì đừng giận. Bây giờ tôi về lo bát cơm cúng, chị cứ ngồi đây. Nếu đau buồn quá, không chịu được thì khóc to lên, thật to ấy, người chết cần tiếng khóc than chị ạ.

Người đàn ông hủi bỏ đi.

Chị gục mặt xuống ngôi mộ. Chị ngồi im cùng đứa con như vậy không biết là bao nhiêu lâu cho đến khi đứa con cựa đạp khóc chị mới ngẩng lên. Nắng đã xế chiều. Bóng những ngọn cát đổ dài vắt trên màu cát trắng, vắt qua chị tựa như những dải băng đen khổng lồ, đau đớn bao bọc lấy ngôi mộ của anh. Chị trải cái tã lên mộ, đặt con lên đấy, trên mộ cha nó. Rồi chị bật lên tiếng khóc, lúc đầu nó ứa nghẹn trong cổ họng, sau một lúc, chị òa khóc thành tiếng, thảm thiết. Cát mênh mông, gió nao nao thổi, nắng nghiêng nghiên rọi xiên qua mặt chị, ánh ngời nước mắt, những dòng nước mắt nhuộm qua nắng chiều lóng lánh hồng, tựa như màu máu. Có một cơn gió lạnh ở đâu đó ùa tới, không phải, chính là trong lòng chị thổi ngược lên, buốt xót, hoang dại, nhói tím thịt da. Chị bơ phờ run rét trước ngôi mộ của anh. Chị co thắt toàn thân bấu lấy ngôi mộ của anh. Chị không còn nhìn thấy anh ở đâu. Anh đã chìm vào cát, thăm thẳm nỗi đau xa cách, thăm thẳm mất mát, thăm thẳm buồn thương. Thế là từ hôm nay, chị chỉ còn mình chị thôi, héo quắt, chỉ như cái hoa lông chông khô đét, nhẹ tâng tâng và mặc cho gió đẩy vô hướng giữa trùng trùng cát trắng, trùng trùng giữa biển đời xa lạ, trùng trùng tai họa, trùng trùng nước mắt. Và con chị, mãi mãi không cha, thoi thóp trên thân thể bé gầy của chị, trượt ngã trên bầu vú tóp teo của chị, mù tịt tương lai. Chỉ có anh thôi, nằm đấy rồi, trong cát rồi...Không biết là anh có kịp nhớ chị trước khi chết, anh có lo lắng cho mẹ con chị trước khi chết, anh có mang theo tình yêu của chị trước khi chết. Anh nằm trong cát rồi, cách xa chị rồi, để lại giữa thế gian mịt mùng bao cạm bẫy, bao bất công, bao gian khó cho chị, cho đứa con. Anh tệ lắm anh à. Em giận anh lắm anh à. Tại sao hôm đó anh không cho em theo làm cách mạng cùng anh? Tại sao em vừa sinh nở cho anh một đứa con, anh lại chết? Anh nghe đây này, đây này, đây này, em cứ ao ước gặp lại anh, chúng ta lại được ở bên nhau, hoặc là bên đống rơm, hoặc là trên cát và em hát...

Thiếp hỏi thăm chàng

Trong trăm thứ dầu, dầu chi là dầu không thắp?

Trong ngàn thứ bắp, bắp chi là bắp không rang?

Trong vạn thứ than, than chi là than không quạt?

Trong triệu thứ bạc, bạc chi là bạc không tiêu?

Trai nam nhi chàng đối đặng, hai dải lụa điều em trao...

Đối đi anh, em van anh, đối đi, em nằm chờ nghe anh đối đây. Không à. Không nữa à. Không hả anh?

Im lặng như câm. Chỉ có tiếng cát bay vần vụ. Chỉ có tiếng con chim nào đó hót vọng rất xa. Chỉ có tiếng gió xào xạc trong cát. Và nước mắt, và tiếng khóc của chị và nấm mộ lặng câm, lạnh buốt, nhòa trong nắng chiều tà, nhòa ngập trong nỗi đau thắt ruột của chị. Sừng sộ trước mặt chị bây giờ là anh, không phải anh, một nấm mồ, một đống cát, tang tóc. Và chị hiểu, anh đã vĩnh viễn ra đi. Rồi tự dưng chị chồm người lên, căm thù nhìn về phía chân trời, nơi mà bọn giặc vừa đi khuất. Chị hiểu, anh chết vì người nghèo. Anh chết vì cách mạng. Cách mạng đối với chị không còn mơ hồ như ngày nào, nó cụ thể làm sao, là anh thân yêu, là sự hy sinh của anh cho chị và đứa con của chị sống. Cái chết của anh làm cát thêm trắng, làm hoa xương rồng thêm nở tươi và có thể cho tương lai của con gái chị mở rộng thênh thang trong tầm mắt. Chị nhìn con. Chị bế con lên. Trong chị trào dậy một ý chí, một lời hứa sắt son, rằng, dù có bị cuộc đời quăng quật thế nào, dù đau thương thế nào, chị cũng sẽ nuôi đứa con của anh nên người. Nó sẽ lớn lên tại đây, giữa vùng quê cát trắng này, giữa không gian nóng bỏng này, lớn lên cùng mùa hoa xương rồng, lớn mãi, thay chị trả thù cho cha nó. Nhất định là phải trả thù cho cha nó, nhất định là thế.

Người đàn ông hủi đặt lên nấm mộ bát cơm, quả trứng và trao tận tay chị một nắm hương đang cháy đỏ. Chị cầm hương và thì thầm với anh, nói chuyện với anh, hứa với anh. Nước mắt chị rơi xuống cát, thấm sâu, thấm qua ba thước đất xuống tận thân thể anh.

Rồi chị cúi lạy anh. Chị choàng tay ghì lấy ngôi mộ lần cuối và ôm đứa con gái quay bước. Những bước chân của chị khác lạ hơn mọi ngày. Bước chân rắn rỏi, cương quyết, đầy toan tính. Người đàn ông hủi lúc cúc đi theo chị không nói gì....

(Hết ph ần 2)