Thứ Tư, 24 tháng 9, 2008

Chị Tâm

Gần 3 tuần chị Tâm ra đi!

Chị để lại gì?

- Một đứa con 4 tuổi, Khang, ngơ ngác sau cú thoát chết cùng vụ tai nạn giao thông với mẹ. Trong vụ tại nạn, Khang bị tông văng lên lề, cách xác mẹ Tâm nằm sấp chừng 2-3m, sau lưng là bờ kè sâu hoắm. Khang chồm dậy bò đến mẹ, lắc lư bàn chân rồi ôm tấm thân của mẹ, nhưng tất cả đều bất động! Khang chưa kịp khóc, chưa kịp nhận ra được cái chết bất ngờ đến với mẹ mình, một nỗi hốt hoảng kinh hoàng, rồi vài người gần đó xốc Khang đưa vào bệnh viện cấp cứu…

- Một người chồng ít nói bận rộn với hậu sự, đôi mắt sưng đỏ sau cặp mắt kính dày cộm.

- Một nỗi tiếc thương sâu nặng với gia đình, nhất là với ba mẹ ruột. Ba mẹ kỳ vọng rất nhiều ở chị, nhưng sự kỳ vọng đó cũng tan biến theo chị mất rồi.

- Một sự mất mát to lớn với những người trong Bidipharco, với hàng xóm, với bạn bè,…

- Một tài sản nho nhỏ mà bây giờ chẳng là cái gì với chị, nhưng với Khang, nó có ý nghĩa rất lớn – một con đường thẳng tắp dẫn lối Khang vào đời.

- Và, nhiều nước mắt của những người còn lại.

---
Ngày mai là ngày kị 21 ngày. Thắp một nén nhang liên tỉnh.

Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2008

Entry for September 07, 2008

Tiếc thương chị

DƯƠNG THỊ MINH TÂM


Thứ Năm, 4 tháng 9, 2008

Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê (bản scan)

Theo thói quen, muốn tra nghĩa của một từ nào đó thì gia đình tui thường tham khảo Từ điển tiếng Việt của GS Hoàng Phê.

Thời đại bây giờ, phong cách làm việc của nhiều người cũng có nhiều thay đổi để theo kịp tiến trình “công nghiệp hóa - hiện đại hóa”, ngồi làm việc trước máy tính nhiều hơn. Cái cảnh đứng lên ngồi xuống, đi qua đi lại để lấy cuốn từ điển dày 1.209 trang nặng gần kí-lô lật qua lật lại tra nghĩa vài từ rồi lại đứng lên ngồi xuống, đi qua đi lại để… cất, âu cũng hơi bất tiện hỉ! Vả lại, thời gian và không gian làm việc bây giờ là mọi lúc mọi nơi, chả lẽ lúc nào cũng kè kè theo kí-lô từ điển?

Đã có ngay từ điển online (bản scan) Từ điển tiếng Việt do GS Hoàng Phê chủ biên, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, xuất bản năm 1998 (giống cuốn ở nhà). Sướng!

Đây là cuốn sách được xem là nền tảng của chính tả tiếng Việt.

Hoàng Phê (1919 - 29/01/2005) là một nhà từ điển học, chuyên gia về chính tả tiếng Việt.

Đường link đã dẫn trong blogroll hoặc bấm vào đây.

Thứ Hai, 1 tháng 9, 2008

Siêu âm (tiếp theo)





5. Chiều hôm qua, ba nhận được cú điện thoại của chú Sâm, vừa nói chuyện điện thoại vừa cười ngặt nghẽo. Ba kể lại, mẹ cũng cười, sặc sụa luôn.

---

Chú báo tin vợ chú vừa sinh em bé, mẹ tròn con vuông. Ba chúc mừng, chú chửi: “Chúc con mắt mày. Con trai mày ơi!”. Số là trước đó bác sĩ siêu âm báo là con gái. Có thêm đứa con gái nữa là đẹp như ý, 1-1 (1 trai 1 gái), vui cả nhà, bà nội mừng lắm. Nhưng… éo le thiệt!

Đúng là đời éo le thiệt. Có người thích sinh con gái lại lòi ra con trai và ngược lại, thích con trai lại lòi ra con gái. Lại khổ một nỗi là mấy bác sĩ siêu âm cứ dự báo lung tung, trai thì báo gái, gái thì báo trai, làm người khác mừng hụt như rơi từ chín tầng mây xuống cành cây rồi từ từ tuột xuống đất vậy. Con nào cũng là con, “siêu dương” là một thực tế phải mỉm cười chấp nhận.

Nghe nói siêu âm bây giờ nhiều chiều lắm, 3 chiều, 4 chiều có hết… mà kết quả thì có tới 2 chiều: một là trai, hai là gái, bác sĩ cứ báo đại một chiều, trúng trật tính sau, có ai kiện tụng gì đâu mà sợ hỉ !

Trách vậy thì cũng hơi oan cho bác sĩ, cái gì cũng có sai số, do kỹ thuật, do ngoại lệ, do… tùm lum hết. Cũng có thể do con chú Sâm có năng khiếu bẩm sinh là ảo thuật, hậu nhân của David Copperfield, một đùm bây lớn vậy mà giấu mất biệt, bác sĩ siêu âm không tài nào phát hiện được, bó tay!

6. Chuyện nhà chú Xịn cách đây vài năm. Lúc ấy, vợ chồng chú đã có một con, con gái, 4 tuổi. Hai người ao ước sinh thêm đứa con trai đích tôn để nối dõi tông đường.

Thím mang thai đứa thứ hai đến tháng thứ 6 thì dẫn nhau đi siêu âm. Chú ở ngoài phòng đợi xách giỏ đệm đi tới đi lui muốn chóng mặt.

Cánh cửa phòng siêu âm vừa mở, chú liền sáp lại hỏi nhỏ vợ:

- Trai / gái dzậy em?

- Bác sĩ nói thai phát triển tốt, theo quy định của bịnh dziện thì không báo trước giới tính, tới tháng thứ 7 mới báo lựng.

Tới tháng thứ 7, chú chở thím siêu âm ở bệnh viện tư. Kết quả: con trai. Chú nhảy cẫng, mừng như lượm được vàng, gom gần triệu bạc đi mua đồ cho em bé trai.

Đến ngày sinh, một em bé gái ra đời, là bé Ba bây giờ. Chú trách bác sĩ siêu âm dỏm quá, rồi nhìn giỏ đồ em bé than: “Biết dzầy thì khỏi mua, cho mặc đồ của chị nó đỡ tốn triệu bạc”.

Bé Ba giờ được 4 tuổi, mặt tươi phúng phính, cười suốt ngày. Những lúc hứng chí, bé Ba thường đưa tay lên, bàn tay nắm lại chỉ giơ ra một ngón cái, number one, number one…

Xúc muỗng cơm đưa vào mồm, bé Ba nhìn ba mình cười rồi đưa tay lên, number one, number one…

Chú Xịn cười nhẹ rồi mắng yêu:

- Cha mày, cũng cái tật đó mà hồi trước bác sĩ siêu âm lộn. Trong bụng chật hẹp, nắm bàn tay giơ ngón cái đưa lên không được, mày đưa xuống cái chỗ đó nên bác sĩ siêu âm tưởng là con trai. Chết hông!

Bé Ba chạy đến bên ba, một tay ôm cổ, một tay đưa lên number-one number-one, miệng hát bài của Ngọc Sơn: “Ba nâm-bờ-oanh đẹp chai dễ xương…”.

- Thâu, tậu quá! Chị em mày tấu ngày cứ oanh oanh oanh oanh, lại ăn cơm lẹ đi con.

Bé Ba ngoan ngoãn chạy lại bưng chén cơm lên xúc một muỗng thiệt to cho vào mồm. Chú khen: “Ò, giỏi dzậy ba thương, chớ hông thâu mai mốt ba đẻ em trai là ba bỏ con đa..á”. Miệng ngồm ngoàm, đầu cứ gật gật, tay cứ đưa lên, bé Ba gọi: “Ba…”, rồi lại gật gật, tay đưa cao làm ám hiệu cảnh cáo number one, number one…

---

Không biết em tui có cái tật dễ thương như bé Ba không nữa? Chờ ngày siêu dương. Ngày đó, tui sẽ nhìn ba, đưa tay lên cao, bàn tay nắm lại chỉ giơ ra một ngón cái, number one, number one…