Thứ Ba, 26 tháng 8, 2008

Hên - Xui

Cuối cùng thì mọi việc cũng ổn, mẹ xuất viện hôm qua mà không cần phải mổ sau 5 ngày nằm viện. Hên!

Thường nghe nói: “Trong cái xui nó có cái hên” và ngược lại: “Trong cái hên nó có cái xui”, hên–xui, xui–hên búa xua chẳng biết đường nào mà lần, nhưng ngẫm lại thấy cũng đúng trong trường hợp gia đình tui tuần rồi.

*****

- Hên: Sau thời gian dài ì ạch, ba cũng viết xong cuốn sách như ý. Ai cũng vui, chúc mừng.

- Xui: Khủng hoảng kinh tế cục bộ. Trốn, né, tránh, lánh… đủ chiêu.

- Hên: Mấy ngày này, ba tui ăn ở với anh em bạn bè kỳ cục quá nên không ai rủ nhậu hết, ở nhà suốt.

- Xui: Mẹ bị đau vùng bụng, triệu chứng giống như đau ruột thừa khi mang em 6 tháng.

- Hên: Nhờ có Bảo hiểm y tế, mẹ tui được khám miễn phí theo tuyến chỉ định tại Trung tâm Y tế huyện. Tại đây, nhân viên y tế xem hồ sơ khám ngoại tuyến trước đó ở BV Từ Dũ, phán: “Thai tốt, phát triển bình thường. Đau là do thai lớn thì bị giãn dây chằng. Về nhà dưỡng”. Nhanh gọn chỉ trong 30 giây! Không cần phải lấy máu thử thiết xét xiết khám khiết gì hết, sợ mất thời gian vàng bạc của bệnh nhân! Y đức la..ám…

- Xui: Về nhà, cơn đau nặng hơn, lại đi ngoại tuyến Từ Dũ mất 1 tiếng đồng hồ, chuyển viện cấp cứu BV Bình Dân, nghi ruột thừa. Điện thoại Đông Tây thành phố, liên tỉnh gọi hỏi liên tục. "Mổ chưa?... Mổ chưa?". "Chưa mổ,… chưa mổ".

- Hên: Nhờ quen biết với cậu, mẹ được gửi bệnh cho bác sĩ trợ lý giám đốc BV, khám, xét nghiệm, siêu âm đủ kiểu, theo dõi mất 5 ngày thì lòi ra bệnh “rối loạn tiêu hóa”, không phải “viêm ruột thừa”. Hú hồn! Có một trường hợp nằm chung phòng với mẹ, bệnh nhân được chỉ định mổ ruột thừa, mổ xong, chẳng thấy thừa miếng ruột nào mà chỉ thấy miếng bông gòn to bằng nắm đấm băng dưới bụng. Toát mồ hôi !!!

- Xui: Tình trạng khủng hoảng kinh tế cục bộ kéo dài, mãn tính, chưa có dấu hiệu kết thúc.

- Hên: Xuất viện. Gặp ai, ba mẹ cũng được cười, chào, rồi chúc: “Khỏe héng khỏe héng. Chúc mừng héng… Chừng nào ăn mừng?”.

- Xui: Cũng vẫn là cái xui mãn tính. Cười trừ, hehehehe…

***

Tới đây tui cũng không biết là cái gì là xui, cái gì là hên, cứ gạch đầu dòng đại cho có gạch vậy mà. Nhưng tui muốn kết thúc bài viết này bằng cái gạch đầu dòng “Hên”, diễn ra trong tương lai:

- Hên: Tối nay nhà tui ăn xôi lòng gà. Tình trạng khủng hoảng kinh tế chấm dứt trong vài ngày nữa bởi ba mẹ sắp gặp anh Thưởng (2/9) và chị Lương (ngày 10 hàng tháng). Cười khí thế, khà..khà… khà…

À quên, cậu Hai Lúa ở quê bảo là sẽ làm con cầy để rửa cho cháu. Hên hay xui? Chơi luôn, bịnh gì cử.

Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2008

Ngày đầu tiên xa ba mẹ


Mẹ nằm viện. Ba nuôi bệnh. Một ngày nhiều xáo trộn với gia đình tui.

Đêm qua là đêm đầu tiên tui phải xa cả ba và mẹ, ngủ nhà má Tám.

Cảm nghĩ ??

Khó ngủ đầu hôm nhưng cũng ngủ đựơc. Chỉ một lần thức giấc, tui nhìn sang bên cạnh, là má Tám, tui ngồi dậy, không thấy ba, không thấy mẹ như ngày bình thường, buồn năm phút rồi nằm xuống ngủ tiếp tới sáng.

Xa ba mẹ ai mà không nhớ hỉ? Nhớ lắm nhưng không nhắc, đó là tính tui. Tui sắp làm chị của thằng em trai nên phải tập dần để cứng rắn hơn, hoàn thiện hơn mới được. Vì em nên tui hy sinh một tí thì có sao đâu! Bình thường.

Mong mẹ không phải bị mổ. Tất cả vì em, em trai của chị Hai !

Thứ Ba, 19 tháng 8, 2008

Máu văn nghệ

Cả tuần nay ngất ngây với chiến thắng của kết quả siêu âm nên tui bỏ bê cái blog này. Hôm nay trở lại viết vài chữ, nhưng cũng chưa biết viết gì, viết đại cũng là viết, viết cho có chữ cũng được vậy, đơn giản vì… tui thích viết. Hehehe…

Cũng tuần qua, báo chí rùm beng về vụ hát nhép “Khả - Nghi” trong lễ khai mạc Olympics. Đây cũng là một bài học về tính chân thật, không nên dối lừa bất cứ ai, dù chỉ một người; bài học về “bệnh thành tích”, phô trương ảo…

Một tuần mưa tầm tã, ròng rã. Mẹ bệnh.

Mưa, có nước để xài, để giặt nhưng lại buồn, gợi tui nhớ những đêm văn nghệ “cây nhà lá vườn” tại sân khấu ngoài trời trước sân nhà…

***

Trời trăng thanh gió mát. Cứ vài phút có một chiếc máy bay Boeing vù ngang qua xé tan không gian yên tĩnh.

Máu văn nghệ nổi lên.

Một chiếc ghế bố đặt giữa sân ngoài trời, vừa đủ cho tui và ba nằm, một cây đàn guitar dây nylon vắt ngang. Chỉ có vậy. Chuẩn bị…

Ông nội xem tivi trong nhà. Bình thường thì volume 20, nhưng nội biết điều gì sắp xảy ra nên chỉnh volume 40. Cửa sổ đóng lại. “Tiếng bom át tiếng hát” là vậy.

- “Bài cúc cu đi ba” – tui yêu cầu.

Tiếng guitar rải điệu valse bài Nhạc rừng, ba hát chính, tui hát bè: “Cúc cu, cúc cu, chim rừng ca trong nắng, im nghe, im nghe…”. Bài này như là nhạc hiệu của chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn, mười lần như chục, chương trình luôn bắt đầu như vậy.

Nghe nhạc hiệu, một khán giả đeo theo một khán giả lệch bệch xách ghế nhựa ghé sát ghế bố ngồi nghe ngắm thỏa thích, mãn nguyện. Đây là khán giả trung thành nhất, dễ chịu nhất và có sức chịu đựng cao nhất mà tui và ba từng gặp. Giá vé rẻ bèo: 1 tuần chỉ có 3 ly sinh tố!

Nghe nhạc hiệu, ếch nhái ễnh ương, dế mèn dế mái tập trung đầy sân nghe và quay “dàn loa” hướng về “sân khấu” phụ họa: ộp ộp ộp… oang oang… réc réc réc.. chịt chịt… ộp ộp…

Một bản nhạc với hòa âm phối khí đầy đặn. Người ta thường gọi nhạc đồng quê là vì vậy đó. Hihi…

Bản nhạc kết thúc không tiếng vỗ tay. Khán giả bỉu môi dài cả thước.

Ba liếc nhanh nhìn, nhạc chuyển từ điệu “van” qua điệu “sộp”, ba nhìn khán giả và hát: “hay không hay… không cần, nghe không nghe… không cần…”. Bài này đơn giản, lời hát chỉ có vậy, lặp đi lặp lại vài lần. Hết bài. Tui mớm vỗ tay 3 cái, khán giả vỗ theo một tràng dài.

Chương trình tiếp tục với Liên khúc nhà trẻ do tui hát. Tui thả hồn theo từng bài, bài nào thích hát trước, không thích hát sau, mắt lim dim, nằm ngửa dài cổ ngân lên ngân xuống theo nhịp đàn. Hí mắt nhìn sang ghế nhựa, khán giả mắt chữ O, miệng chữ Y chăm chú nghe tui hát. Thích lắm!

- “Mỏi tay quá” – ba quay sang nói nhỏ.

Tui hiểu ngay là nên kết thúc tiết mục này ở đây, “…con bìm bịp thổi tò tí te tò te”. Hết.

Một chiếc máy bay vù ngang …àoo…à..ooo…hú…hú…, nghe âm thanh này giống âm thanh trong khán phòng rạp Hòa Bình mỗi khi ca sĩ Phương Thanh hát xong vậy.

Ba buông đàn, vỗ tay mớm cho 3 cái, khán giả vỗ theo. Phải vậy chứ..ư!

Trời chuyển mưa. Những đám mây đen lớn che lấp những ông trăng ông sao hồi nãy mất tiêu.

- “Tới phiên ba”, tui tiếp.

Liên khúc nhạc Đứt bắt đầu. Chỗ nào ba thuộc lời thì ba hát, chỗ nào không thuộc thì ba hút gió. Hút gió nhiều hơn hát. Ba chu mỏ dài cả gang! Ếch nhái kêu mỗi lúc càng dày hơn, lớn hơn…

Mưa hạt lớn ập tới.

Khán giả đứng dậy tay xách ghế, ba thì một tay cầm đàn một tay xách ghế bố, tui xách dép. Khỏi cần đếm 1-2-3, chạy vèo một cái vô tới nhà trong, tốc độ nhanh hơn chiếc máy bay hồi nãy nữa đá..a.

- “Dẹp ngủ bay” - tiếng ông nội cất lên như lời MC dẫn chương trình.

Chương trình kết thúc với thời lượng hơn 1 tiếng đồng hồ.

15 phút sau, ca sĩ, nhạc công và khán giả chung một mùng khò khò tới sáng.

Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2008

Siêu âm

Không biết chuyện hôm qua ba chở mẹ đi siêu âm kết quả thế nào mà không khí trong nhà trở nên khác lạ.

Cơm tối vừa xong, ba chổng mông cắm đầu trên nệm, say sưa viết viết cái gì đó. Tui mon men tới gần thì bị ba quay qua đuổi: “Con ra chơi với ông nội đi, ba làm công chiện chút”, rồi quay lại viết tiếp. Chán phèo! Không chơi với ba nữa, chơi với mẹ.

Tui bước ra sau. Mẹ cặm cụi với chồng chén bát xoong nồi vừa dùng xong, công việc thường ngày mẹ vẫn làm, nhưng hôm nay thấy mẹ làm có vẻ nặng nhọc lắm. Chắc tại cái bụng có đứa em tui trong đó lum lum lớn dần làm mẹ mệt? Cứ cho là vậy. Cũng không có gì để chơi. Ghét!

Tui ra nằm coi cải lương với ông nội cho… phẻ.

1.Tui rất thích em trai. Có em trai để chơi vẫn thích hơn. Tuy là con gái nhưng sao tui chơi toàn trò chơi của con trai: đá banh, bắn súng, “siêu nhân màu xanh lá cây”,…. Búp bê là món tui ghét nhất. Có một con búp bê cô Năm cho từ năm nảo năm nào nằm lăn lóc trong góc phòng, bụi bám đầy.

Ba mẹ cũng muốn tui có em trai nhưng bây giờ không dám nói mạnh, sợ bị chọc, nếu…

Bạn bè ba tui chọc ghê lắm, mấy bác nữa. Sợ!

Mấy bác nhà tui ai cũng trai-gái đề huề, nói mạnh lắm, cứ gặp ba mẹ là hỏi:

- Trai / gái?

- Chưa biết. Kệ. Trai gái gì cũng được – ba trả lời.

- Rủi con gái nữa thì sao?

- Dễ ợt, 1 + 1 = 2. Hai đứa con gái. Bình thường. Hehehe… - cười gượng.

2.Đi nhậu với bạn bè, ba tui sợ nhất là gặp chú Điệp Liên Tú – 2 con bướm. Chú Sâm – 1 trai 1 gái, miệng nổ như bom chùm. Chú Lùn, 1 con gái, miệng cười tủm tỉm, chấp nhận số phận. Chú Mập, ôi thôi, khỏi kể vô, mất công. Tiết mục đặc sắc nhất sau vài chai là phần đọc thơ của chú Tú, bài “Bướm”:

Đêm nằm thao thức thấy mà lo

Hai con bướm nhỏ, một bướm to

Mai này bướm nhỏ bay đi mất

Còn lại mình ta với bướm… tò

Dễ nghe mà khó thuộc. Bài này ba tui nghe hoài mà không thuộc. Chắc sắp thuộc rồi. Ớn!

3.Hồi trước, ba có kể chuyện về chú Còi làm chung cơ quan. Chuyện đã lâu mà tới nay ba còn ấm ức.

Trưa hôm đó, chú Còi chở vợ đi siêu âm đứa con đầu lòng, mong con trai. Trước khi đi, ai cũng chúc may mắn. Ba tui, miệng thì chúc may mắn nhưng vẫn muốn chú Còi làm đồng minh, có dịp chọc lại cho bõ ghét, lấy lại những gì đã mất chứ.

Chiều 5 giờ, chú Còi lẽo đẽo vô phòng, mặt lạnh như tiền xu, lầm lũi không nói với ai tiếng nào, bước lại cầm điện thoại bàn, bấm số...

Ba tui lọ mọ ngay máy tính, ngước nhìn chú, nói nhỏ: “Mày khỏi nói, tao biết rồi. Mình là đồng minh mà. Há? khà khà khà….”.

Cả phòng cười ầm.

Chú Còi không phản ứng gì, cầm ông nghe điện thoại, mặt cúi gầm.

- Alô, anh Sáu hả?… đang ở đâu?… Bây giờ em không biết chơi với ai hết. Chỉ có anh thôi. Trong phòng chỉ có mỗi mình anh có con trai. Vợ em mới vừa siêu âm. Con trai. Cho em chơi với nha. Khà khà khà…”.

Cả phòng lại cười, cười lớn hơn. Chú Còi cười lớn nhất. Ác thiệt!

Ba tui cũng cười, méo xệch. Lại thua nữa rồi. “Đấm vào mặt chú Còi một phát để gỡ lại pha việt vị vừa rồi”, đầu thì nghĩ vậy, nhưng miệng mở ra: “Chúc mừng mày”. Xong việc, nhậu.

4.Hôm nay chủ nhật, tui nghỉ học. Ba vẫn đi làm. Mẹ cũng chuẩn bị đi, lo công tác xã hội gì gì đó, nghe nói là chương trình “Đền ơn đáp nghĩa” gì đó.

Chờ lúc ba vừa xách xe chạy ra khỏi cổng, tui vào phòng lục tìm xấp bản thảo ba viết hồi hôm.

Đọc.

Chữ viết như con lăng quăng. Tôi đọc chẳng hiểu gì. À, thì ra ba đang viết sách.

Bìa sách ghi “Cẩm nang sinh con theo ý muốn – lưu hành nội bộ”.

Mấy chú có ai muốn đọc, con photo cho, đừng hăm đấm vào mặt ba con tội nghiệp ổng.

Bây giờ tui mới hiểu. Tui sắp có em trai. Sướng quá. Khà khà khà…. Khà khà khà…

Mẹ vừa về, trên xe treo con gà làm sẵn. Mẹ làm công tác này tốt thiệt. Tối nay có cháo gà ăn.

Thứ Năm, 7 tháng 8, 2008

8/8/08, Olympics và tui




Hôm nay là ngày “số đẹp”, 8/8/08 (Tám Tám Không Tám). Sự kiện lớn: Khai mạc Olympics Bắc Kinh 2008. Phải khen Ban Tổ chức Olympics quốc tế chọn ngày quá đẹp cho sự kiện đẹp quá này.


Lại có cái để giải trí khỏi tốn tiền, nhất là bóng đá. Chúc giải thành công tốt đẹp như Olympics Seoul 1988 vậy. Tui chỉ nhớ O.Soeul tổ chức năm 1988, không nhớ ngày tháng, phải là 8/8/88 là đẹp nhất hỉ!

Là “ngày của Tám” nên mạn phép “Tám về ngày” tí. Olympics được tổ chức 4 năm/lần (+4). Còn ngày nào “số đẹp” có gắn liền với Olympics nữa không?

Còn nhiều, thậm chí là đẹp hơn. 8/8/28; 8/8/48; 8/8/68; 8/8/88. Cho lựa. Tui chọn:

- 8/8/28 (Tám Tám Hai Tám). Đẹp! Sự kiện lớn: Khai mạc Olympics Hà NộI 2028? Biết đâu! (Cho phép tui mơ tí). Đội tuyển bóng đá Olympics Việt Nam chính thức xếp chung bảng với O.Brazil (không cần phải mất 10 tỷ để đá giao hữu); 2 đội lót đường còn lại: đội nào cũng được, càng tên tuổi càng tốt, miễn không là Thái Lan (kị rơ khó đá, nếu có thua thì khó ăn khó nói lắm). Kết quả: đoạt giải fair-play, thua vẫn cười, thua vẫn ca.

- 8/8/88. Ngày đẹp nhứt. Sự kiện lớn nhứt: Tui vẫn còn sống khỏe tới ngày này, ngày Toàn Tám – Tám Tám Tám Tám, để ăn đám cưới chú Mập.

Đã mơ thì mơ cho tới luôn, ai cản? Nhưng chỉ ngại… “số Trời”… chú Mập há.

Thứ Tư, 6 tháng 8, 2008

Bướm mẹ

Đây - Bướm mẹ
(Thứ bảy nhớ đi siêu âm nhé mẹ)




EGG






Trai hay gái?




Trai

1


Gái

3





Sign in to vote

Thứ Hai, 4 tháng 8, 2008

Giải toán vui




1. Để tìm thấy người phụ nữ ta cần thời gian x tiền bạc: woman = time x money

2. "Thời gian là vàng bạc": time = money

3. Từ (1), (2): woman = (money)2

4. "Tiền là gốc của mọi vấn đề"

5. "Phụ nữ là vấn đề"

Ông Ngoại Tư

Gần ngày kị 21 ngày ông Ngoại Tư mất, tôi ghi lại câu chuyện vui ông thường kể trên bàn nhậu. Như một nén nhang cho ông!

Đàng nào cũng chết.

Bực mình vì ngày nào ông chồng mình đi làm về cũng say bí tỉ, bà vợ càm ràm:

- Tui nuôi ông cái lưng như tấm thớt, dzậy mà ra đường nhậu cứ thua người ta hoài. Nhậu dzậy thì đừng nhậu tốt hơn.

Buồn. Suốt một tuần sau, người chồng luôn có mặt ở nhà sau giờ làm việc, nét mặt nhiều ưu tư, suy nghĩ vẩn vơ. "Không nhậu nữa - quyết định vậy đi".

Thấy vậy, bà vợ men theo trách khéo:

- Tui thấy dạo này mình ăn ở với anh em làm sao mà không thấy ai rủ nhậu hết dzậy?

Khó xử thiệt! Đàng nào cũng chết.

Thăm nhà bác Sáu






Cả nhà và bác Ba gái đến nhà bác Sáu chơi đêm cuối tuần. Mục đích: mừng anh Huy, con bác Sáu, thi đậu ĐH. Anh Huy được điểm cao, 20,5 điểm, nằm trong Top 17 của trường ĐH Sài Gòn. Anh thi trường ĐH Nông lâm TP.HCM được 17 điểm (có thể đậu) và trường CĐ Kỹ thuật công nghệ TP.HCM được 28 điểm (Top 10). Chúc mừng anh. Gác chuyện này lại.

Chuyện phải kể lại là chuyện khác, vui hơn, ý nghĩa hơn nhiều.

Nhà bác Sáu nhỏ, nằm sâu trong con hẻm ngoằn nghoèo, diện tích 30 mét vuông vừa đủ sinh hoạt cho 4 người - 2 bác, anh Huy và chị Tuyết. Bác gái là công nhân nhà máy nhựa. Bác trai làm thợ thủ công tự do. Chị Tuyết nay học lớp 9, HS giỏi 12 năm liền (tính luôn mẫu giáo, hehehe...). Một gia đình "hạng trung" ở thành phố lớn nhất nước.

Bác Sáu trai có tật lãng tai nặng. Nói là "tật" nhưng đôi khi, đó lại là ưu thế của bác - nói cho người khác nghe nhiều hơn nghe người khác nói; cố nghe những đìều có lợi cho mình, và ngược lại, lãng quên luôn điều có hại (lãng tai mừ). Nhiều khi, bác nói mà không cần ai nghe, nói để cho người khác khỏi nói, mắc công nghe, mệt. Hehehe... Bác nói cho người khác cười, "hài" lắm. Nhìn chung, bác là người sống rất có trách nhiệm, tính tình rất tốt.

Ngay cửa bước vào nhà, bác Sáu dán một bài báo cắt ra từ tờ Tuổi Trẻ (ngày 9.1.2008) - "Đẩy rác nuôi ước mơ bác sĩ ". Không lấy mình làm gương cho con, bác lấy một gương khác, khách quan hơn, éo le hơn... để hướng nghiệp con mình, để kỳ vọng tương lai con mình. Một việc làm rất nhỏ nhưng nuôi một hy vọng rất lớn.

Ba tui ghẹo bác: "Mai mốt anh cho tui mẩu báo này. Tui về dán nhà tui". Bác cười khà khà, nhìn chị Tuyết, trả lời: "Để khi bé Tuyết thành bác sĩ rồi tao cho mày". Tất cả đều cười.

Có lẽ ba tui giống bác Sáu, muốn tui sau này cũng trở thành bác sĩ? Chông gai quá! Nhưng không sao, hiện giờ bác Sáu đang mơ về thì tương lai mà. Ba tôi cũng có quyền mơ như vậy. Biết đâu ... come true! Hên - xui.

Riêng mình, tôi chỉ muốn xin bác Sáu tấm hình "gia đình bác Sáu" treo ở nhà, mỗi khi muốn cười khà khà... khà.


Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2008

80 tuổi vẫn chạy tốt

Cụ bà 80 yêu 10 trai tân gây xôn xao Hà Nội


Đọc xong mới thấy cuộc đời tươi đẹp và đáng sống hơn. Hehehehe. Tình yêu không ranh giới.